Đạt tiêu chuẩn GACP-WHO về dược liệu, không dễ

(Health) Tại Việt Nam, một số mô hình trồng và thu hái cây dược liệu/cây thuốc đã áp dụng GACP-WHO đã được Bộ Y tế ghi nhận. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Trần Văn Ơn, Trưởng Bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội, việc ứng dụng GACP-WHO với cây dược liệu không dễ. Nó đòi hỏi người làm phải dám làm dám chịu mới có thể đem lại thành công.

svn-1

PGS.TS Trần Văn Ơn là tiến sỹ người dân tộc Sán Chỉ đầu tiên. Hiện, TS. Trần Văn Ơn là Trưởng Bộ môn Thực vật trường Đại học Dược Hà Nội.

GACP-WHO là hướng dẫn thực hành trồng và thu hoạch tốt, chế biến tốt cây dược liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành và khuyến cáo ứng dụng. Tại Việt Nam, một số mô hình trồng và thu hái cây dược liệu/cây thuốc đã áp dụng song gặp không ít khó khăn.

Tiến sỹ Trần Văn Ơn cho biết, năm 2006, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dược Hà Nội do ông chủ trì đã lần đầu tiên điều tra phát hiện Dây thìa canh tại một số tỉnh miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Nhận thấy đây là một cây thuốc quý, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập mẫu, phân loại, nghiên cứu thành phần hoá học, tổ chức nuôi trồng để tạo nguồn dược liệu sạch và chất lượng. Năm 2007, mô hình trang trại cây thuốc/cây dược liệu đầu tiên được xây dựng tại Thái Nguyên và Nam Định, một năm sau cho những kết quả khả quan và đem lại thu nhập cho người nông dân. Cũng từ đó đến nay, mô hình này ngày càng được nhân rộng. Tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, từ 1.000m2 thử nghiệm ban đầu, hiện nay diện tích vùng dược liệu đã đạt hơn 3ha và dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ đạt 5ha. Điểm đặc biệt, toàn bộ vùng nguyên liệu này đều đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của phương pháp thực hành nông nghiệp và thu hái tốt – GACP-
WHO.

Health+ phỏng vấn Tiến sỹ Trần Văn Ơn về quá trình ứng dụng GACP-WHO trong trồng, thu hoạch và sơ chế cây dây thìa canh.

Khó chồng khó

Thưa Tiến sỹ, ông đã ứng dụng thành công việc trồng và thu hái cây dược liệu dây thìa canh theo hướng dẫn của WHO. Ông đã xây dựng mô hình thực hành tốt này như thế nào?

 

Là lần đầu phát hiện loài cây này tại Việt Nam, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu và trồng thử nghiệm. Nào là về giống, về nguồn nước, về chăm bón, cách trồng, cách làm giàn, thu hái… Ví dụ, giống dược liệu hoàn toàn khác với những cây trồng khác. Lấy nguồn giống ở đâu, vào mùa nào sẽ đem lại những cây thuốc cho dược tính cao? Thu hái trong môi trường tự nhiên có đảm bảo được nguồn gốc? Trong khi ứng dụng GACP-WHO yêu cầu rất nghiêm ngặt về nguồn gốc giống.

Hoạt chất chính trong Dây thìa canh là gymnemic acid, với cơ chế tác dụng là tăng tiết insulin của tuyến tuỵ, tăng cường hoạt lực của insulin, ức chế hấp thu glucose ở ruột, làm tăng hoạt tính của men hấp thu và sử dụng đường, giảm cholesterol và lipid máu. Hiệu quả sẽ rất khả quan đạt được sau đợt dùng 2 – 3 tháng, kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn.

(Theo Tạp chí Dược học – Bộ Y tế số 391 tháng 11/2008)

Hay như việc làm giàn cho cây leo như thế nào cũng không dễ. Năm đầu tiên trồng thử nghiệm trên 1000m2 với giàn chữ X. Cây phát triển nhanh, tốt, nhìn mơn mởn rất thích mắt, những dây leo vấn vít vào nhau nên khi thu hái, chúng tôi phải gỡ từng dây ra, rất vất vả. Cả ngày chỉ thu hái được một vạt nhỏ, tốn công sức mà hiệu quả không cao. Rất may, hiện giờ thì việc thu hái rất thuận lợi rồi. Diện tích vùng dược liệu cũng ngày càng mở rộng. Dự kiến cuối năm nay sẽ là khoảng 5ha.

Nhưng tôi được biết, nhiều vùng dược liệu không giữ được sự ổn định do người nông dân không tuân thủ đúng hợp đồng hợp tác.

Đúng, đây là khó khăn mà không ít vùng dược liệu gặp phải. Tôi đã có kinh nghiệm từ quá trình trồng thử nghiệm và xây dựng vùng Giảo cổ lam. Nếu cứ xây dựng theo mô hình nông trại tự do thì rủi ro thất thoát dược liệu là rất lớn. Khi trồng cây dây thìa canh, tôi áp dụng mô hình đồn điền trung tâm. Trang trại cây dược liệu 1.000m2 đầu tiên là trang trại chuẩn, là mô hình mẫu chúng tôi xây dựng để người nông dân tham quan, học học cũng là nơi chúng tôi đảm bảo nguồn dược liệu cho doanh nghiệp khi vườn trồng của người dân gặp khó khăn. Cũng tại đây, người dân có thể tìm người hỗ trợ về kỹ thuật trồng cây, tưới nước, thu hái… Hiện nay, đã có hơn 1ha mô hình mẫu chuẩn của vùng dược liệu là của người dân.

Giá thành cũng là một vấn đề lớn?

Đúng vậy. Giá thành của cây dược liệu áp dụng GACP-WHO thường cao hơn 10 – 15% so với giá cây dược liệu trông theo cách bình thường hoặc thu hái từ thiên nhiên. Tuy nhiên, ứng dụng GACP-WHO đem lại cho những nhà sản xuất dược/TPCN một nguồn dược liệu đảm bảo chất lượng.

Và sạch nữa…

Cũng có thể nói vậy. Hướng dẫn thực hành trồng và thu hái tốt cây dược liệu và chế biến tốt sau thu hái là phương pháp đem lại một nguồn dược liệu có chất lượng dược tính cao, không nhiễm tạp chất và giúp cải tạo môi trường vùng nguyên liệu. Có lẽ chính yếu tố này khiến nhiều người hiểu là GACP-WHO đem lại nguồn dược liệu sạch.

Xây dựng mô hình chuẩn

Được biết, Tiến sỹ đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để nộp hồ sơ lên Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đề nghị công nhận vùng dược liệu chất lượng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của GACP-WHO.

Đúng vậy, chúng tôi đang hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng để có thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược thẩm định và cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ công bố GACP-WHO. Hiện, chúng tôi đã hoàn thiện nhà sơ chế và quy trình sơ chế một chiều. Dự kiến, cuối năm chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ đề nghị lên Cục Quản lý Dược.

Vậy, để hoàn thiện hồ sơ công bố GACP-WHO cần…?

Trước hết là xây dựng được vườn thực địa chuẩn, tuân thủ đúng những yêu cầu của GACP-WHO về nguồn nước, phân bón, độ ô nhiễm… Bạn cũng phải có được nhà xưởng, kho chứa, nhà chế biến… theo quy trình một chiều từ bẩn đến sạch và phù hợp với loại cây thuốc. Máy móc, thiết bị cũng phải phù hợp với cây dược liệu, quy mô sản xuất.

Một phần khá quan trọng là quy trình tiêu chuẩn các bước sản xuất mà chúng tôi thường gọi vui là “phần mềm”. Ví dụ: quy trình về thu hái dây thìa canh. Thu hái vào mùa nào sẽ cho dược tính cao? Thu hái bộ phận nào (lá non, lá bánh tẻ, lá già…) sẽ cho dược tính cao?… Hay quy trình trồng cây: trồng mật độ nào, bao giờ tưới nước, tưới bao nhiêu nước, bón bao nhiêu phân… Hệ thống quy trình và thao tác chuẩn về cơ bản đã hoàn thành. Con người cũng là một yếu tố khó trong quá trình xây dựng mô hình. Rất may, chúng tôi có một đội ngũ những nhân viên thực sự yêu nghề, yêu cây cỏ hoa lá và chấp nhận khó khăn để học hỏi và thực hành.

Cảm ơn những chia sẻ của tiến sỹ!

                 Chủ động nguồn dược liệu chất lượng

Theo TS. Trần Văn Ơn, Việt Nam là “vựa dược liệu” lớn của thế giới. Ước tính, nước ta có khoảng 4.000 cây dược liệu, 800 cây đã được sử dụng nhiều trong các bài thuốc gia truyền, 200 cây đã xác định được dược tính và thường xuyên được sử dụng trong các loại thuốc/TPCN. Tuy nhiên, “đây là một sự lãng phí nguồn tài

So với quốc gia láng giềng Trung Quốc – “vựa dược liệu” lớn nhất Châu Á – thì những đầu tư cho nghiên cứu, nuôi trồng, xây dưng quy trình chuẩn cho cây dược liệu ở Việt Nam quá ít. “Trong 15 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư cho các nhà khoa học nghiên cứu và xây dựng quy trình chuẩn cho trên 50 cây dược liệu, với kinh phí ước tính 6 tỷ đồng/cây dược liệu. Việc xác định đúng hoạt chất có trong loại cây dược liệu này giúp đẩy mạnh việc xuất khẩu dược liệu sang các quốc gia phát triển. Đây là xu thế vận động tất yếu của thế giới, khi mà các quốc gia tiên tiến đang đang lặng lẽ phát triển các công nghệ tiên tiến, xanh, sạch và chỉ chấp nhận những sản phẩm đạt được các tiêu chí này”, TS. Ơn cho biết.

Hiện nay, tại Việt Nam có 20 cây dược liệu được nghiên cứu và trồng theo GACP-WHO như dây thìa canh, ý dĩ, giảo cổ lam, trinh nữ hoàng cung, ar-ti-sô, nghệ vàng, gấc, diệp hạ châu, hà thủ ô đỏ… Tuy nhiên, mới chỉ có cây Trinh nữ hoàng cung của Công ty Thiên Dược được cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ công bố GACP-WHO. Trong khi đó, Bộ Y tế đã có yêu cầu đến năm 2015, tất cả các vùng dược liệu phải công bố hoặc chuẩn bị công bố GACP-WHO. “Với số lượng cây dược liệu của Việt Nam, có lẽ yêu cầu này của Bộ Y tế khó có thể đạt được khi đến mốc 2015”, TS. Ơn cho biết.

Nguồn: http://diabetna.vn/