HÚNG QUẾ
Tên khoa học: Ocimum basilicum L.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Tên khác: Húng giổi, rau é, é tía, húng chó…
Tên vị thuốc: Húng quế.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Húng quế là loài cây nhiệt đới, hiện được trồng khá phổ biến ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á và Nam Á. Ở nước ta được trồng rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước để làm gia vị và chưng cất tinh dầu.
Đặc điểm thực vật
Cây bụi nhỏ, cao tới 50 – 80 cm, có mùi thơm đặc biệt. Cành vuông. Lá đơn, mọc đối, màu lục bóng, hơi khía răng ở mép. Hoa mọc thành chùm đơn, dài đến 20 cm, gồm những vòng 5 – 6 hoa cách xa nhau. Hoa nhỏ, có tràng hoa màu trắng hay hồng, chia hai môi; môi dưới hơi tròn, còn môi trên chia thành 4 thùy đều nhau. Quả bế tư, rời nhau, mỗi quả chứa 1 hạt đen, khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh. Mùa hoa, quả: Tháng 5 – 8.
Điều kiện sinh thái
Húng quế có thể trồng được ở các vùng khí hậu của nước ta, trong đó tập trung tại các tỉnh đồng bằng bắc bộ như Hưng Yên, Hải Dương đã trồng với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nhiệt độ thích hợp đề trồng húng quế từ 25 – 30oC, lượng mưa 1.500 – 1.800 mm. Húng quế là cây ưa ẩm, ưa sáng, thích hợp với đất thoát nước, có nhiều mùn, sinh trưởng quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, về mùa đông cây ra hoa, kết hạt và lụi.
Đất thích hợp để trồng húng quế là đất phù sa, giàu dinh dưỡng, các đất khác vẫn trồng được nhưng năng suất, chất lượng kém hơn.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: – Lá và ngọn có hoa phơi hay sấy khô.
– Toàn cây (cất tinh dầu).
Công dụng: Húng quế ở Việt Nam chủ yếu sử dụng làm gia vị, thuốc chữa cảm cúm, đầy bụng khó tiêu, đau dạ dày, viêm ruột, ỉa chảy, kinh nguyệt không đều, chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp. Dùng ngoài trị rắn cắn và sâu bọ đốt, eczema, viêm da.