Sáng ngày 12/04/2017, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu dược liệu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác phát triển dược liệu Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo một số bộ, ngành và đông đảo các chuyên gia ngành dược liệu.
“Kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá. 63 tỉnh, thành phố đều có thể phát triển cây dược liệu và không chỉ góp phần XĐGN mà còn làm giàu nếu biết tổ chức, quản lý; tìm giá trị gia tăng để nâng cao mức sống người dân” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong lịch sử đất nước có trên 4.000 năm, nếu nói về văn bản của Nhà nước chỉ đạo về y học cổ truyền thì từ thời nhà Lý, thế kỷ thứ X, đã có chỉ đạo về công tác này. Giai đoạn tiếp theo, từ Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác đã biên tập những bộ sách quý về y học cổ truyền, có thể áp dụng bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điều đó cho thấy nước ta có truyền thống quý báu về y học cổ truyền với nhiều loại thuốc quý hiếm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam cũng rất lớn. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước.
Bộ Y tế đã tổ chức cấp phiếu tiếp nhận bản công bố dược liệu sản xuất theo GACP-WHO cho 11 cây dược liệu, từng bước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng, sản xuất dược liệu theo GACP – WHO để đảm bảo nguồn dược liệu phục vụ cho sản xuất có chất lượng tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng chí Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước xác định đường lối chung của phát triển y tế là kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo Thủ tướng, với trên 5.000 cây thuốc quý, đi liền với đó là 5.000 loại dược liệu và các sinh vật biển khác nhau, có thể làm sản phẩm từ những dược liệu này để có những bài thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Đây là một thế mạnh của các địa phương trong cả nước, kể cả Hà Nội, Hưng Yên, TPHCM, An Giang. Đặc biệt, đất nước ta có 3/4 là núi rừng, thì cây dược liệu còn có điều kiện phát triển ở mọi miền của Tổ quốc. Đây là thế mạnh có thể tìm thấy giá trị gia tăng lớn trong điều kiện nước ta, trước hết là phục vụ nhân dân trong nước và đi liền đó là xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đồng chí Bùi Văn Cửu điều hành điểm cầu Hòa Bình
Thủ tướng cho rằng, hội nghị này nhằm có nhận thức đúng, đưa ra những chủ trương, biện pháp để phát triển dược liệu và công tác y học cổ truyền Việt Nam thời gian tới. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cần thảo luận một số nội dung chính: Đó là dù tiềm năng dược liệu to lớn như vậy, nhưng chưa phát huy được tiềm năng to lớn. Nhiều loại dược liệu quý ở mọi vùng miền nhưng chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả thấp. Cùng với đó là thảo luận về chính sách thu hút phát triển ngành dược liệu, bởi hiện nay sản xuất còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, chưa có đầu ra bền vững.
Thủ tướng cũng nêu ra những bất cập cần thảo luận khắc phục, đó là khai thác chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt; việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến dược liệu còn manh mún và chưa kịp với các nước trong khu vực; nguồn lực, các sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo sản xuất hàng hóa và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường rất lớn của 100 triệu dân nước ta và xuất khẩu ra nước ngoài.
“Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng những chủ trương của Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến y học cổ truyền, xác định y học cổ truyền là “kho báu” để khai thác tiềm năng lợi thế đó. Chính vì vậy tại hội nghị này, chúng ta thảo luận xem cái gì cản trở, làm cách nào để tạo đột phá tiềm năng to lớn này của đất nước. Những cây dược liệu không phải chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà có thể giúp cho một bộ phận không nhỏ nhân dân có thể ấm no, hạnh phúc, giàu có”, Thủ tướng nêu rõ.
Nêu lên thực trạng bất cập về phát triển cây dược liệu hiện nay, Thủ tướng cho biết, có ý kiến đánh giá có loại dược liệu còn rẻ hơn cả khoai lang; thậm chí còn nói rằng chúng ta sử dụng cái bã, còn tinh chất người ta đã lấy đi.
Để giải quyết các bất cập cần đưa ra các chính sách đột phá để thu hút đầu tư, khuyến khích nuôi trồng dược liệu, đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Từ đó, cần đặt vấn đề quy hoạch sản xuất loại gì, ở đâu, đầu tư vùng trọng tâm trọng điểm về dược liệu ở những vùng nào; coi dược liệu là sản phẩm quốc gia hoặc lựa chọn một số dược liệu là sản phẩm quốc gia được áp dụng cơ chế như sản phẩm quốc gia.
Cùng với đó là cần bàn phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đó có cây dược liệu, để áp dụng các chính sách cho nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các tiêu chí phát triển các loại hình doanh nghiệp, các dự án, các chương trình để thực hiện chuỗi giá trị về dược liệu.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phát triển ngành dược liệu phải gắn với các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp tiêu thụ đến doanh nghiệp chế biến; coi vai trò của doanh nghiệp với phát triển ngành dược liệu là rất quan trọng.
Theo Hiệp hội dược liệu Việt Nam, hiện thách thức, bất cập hiện nay là 80% nhu cầu dược liệu trong nước là nhập khẩu, trong khi tiềm năng phát triển dược liệu của Việt Nam lớn. Dược liệu sản xuất trong nước có chi phí cao do nhiều yếu tố như tiếp cận đất đai, vốn, trình độ khoa học công nghệ, nhu cầu thị trường thấp…
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc chống buôn lậu dược liệu hiện còn khó khăn, trong khi đó, dược liệu nhập lậu chất lượng kém nhưng giá rẻ, đánh vào tâm lý người tiêu dùng nên có thể thâm nhập vào các nơi tiêu thụ. Còn những sản phẩm của nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới lại có giá thành cao, khó đưa vào tiêu thụ.
Sắp tới Bộ Y tế cũng sẽ có giải pháp tăng cường đưa thuốc đông y và dược liệu vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Bộ cũng nêu ra ba nhóm giải pháp trọng tâm, đó là tăng nguồn cung cấp, tức phát triển mạnh các nguồn nguyên liệu dược liệu; thứ hai là tăng nhu cầu sử dụng dược liệu, trong đó có nhu cầu trong nước và xuất khẩu; và nhóm giải pháp quan trọng nữa là các cơ chế chính sách để thực hiện các điều đó.
Khuyến khích các dược liệu sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn GACP trong đấu thầu dược liệu vào các bệnh viện công lập
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thay vì chú trọng, tập trung vào sản xuất nguyên liệu hóa dược như trước đây.
Phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài dược liệu, quý, hiếm, đặc hữu trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược, giúp tận dụng được tối đa thế mạnh từ nguồn dược liệu trong nước, đồng thời phù hợp đối với năng lực thực tại của ngành công nghiệp dược nước nhà đó là công nghiệp bào chế. Cần có chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí sửa luật pháp để dược liệu Việt Nam có cơ hội phát triển.
Về nhiệm vụ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ liên quan xây dựng cơ chế chính sách đặc thù; khẩn trương ban hành quy trình chuẩn nuôi trồng cây dược liệu; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng dược liệu làm công cụ quản lý; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ các nước…
Đối với các địa phương, cần tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược phát triển cây dược liệu, xem đây là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, quan tâm thu hút nhà máy chế biến vào vùng sản xuất cây dược liệu có quy mô lớn…
Nguồn: tổng hợp VOV.VN và www.baomoi.com