Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Solavina kiểm tra độ sinh trưởng đương quy tại xã Tân Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng)
Chủ trương khai thác tiềm năng, thế mạnh của dược liệu trong nước, từng bước thay thế nguồn dược liệu nhập khẩu của Bộ Y tế đang có những tín hiệu tích cực. Để tiếp sức cho doanh nghiệp và hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển dược liệu trong nước, nhằm mục tiêu đến năm 2030 dược liệu trong nước đáp ứng 80% tổng nhu cầu sử dụng, cần “bệ đỡ” về chính sách, trong đó, quan trọng nhất là ngăn chặn hiệu quả việc nhập lậu dược liệu rất phức tạp hiện nay.
Mô hình xã hội hóa trồng dược liệu
Tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu do Bộ Y tế tổ chức tháng 3 vừa qua ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp trồng và sử dụng dược liệu lần đầu gặp nhau, nhiều hợp đồng về dược liệu được các doanh nghiệp ký kết. Giám đốc Công ty cổ phần Dược và Thiết bị y tế Trung ương 1 Bùi Đức Chiến đã quyết định đặt hàng đan sâm trồng ở xã Tân Hà (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), với số lượng 30 tấn khô/năm. Trước đây, công ty sử dụng đan sâm nhập khẩu. Ông Chiến cho biết, nguyên nhân của sự thay đổi này là nguyên liệu nhập khẩu có nguy cơ bị chiết hoạt chất, bị ngâm tẩm hóa chất cao, trong khi đan sâm trồng ở Lâm Đồng có hoạt chất bảo đảm, tốt hơn hàng nhập khẩu. Giám đốc một công ty hóa dược tại Hà Nội cho biết, đang tìm đơn vị cung cấp cao hoa hòe để xuất khẩu, bởi sản lượng hoa hòe trong nước khá nhiều, chất lượng không thua kém hàng nước ngoài.
Đại diện Công ty cổ phần Dược Trung ương Mediplantex cho biết, dược liệu trong nước tiêu thụ tại nhà máy chiếm số lượng lớn, khoảng 400 tấn/năm. Công ty đang tìm hiểu các dược liệu trồng ở Hà Giang để phục vụ sản xuất. Dù số lượng ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu mới chỉ vài chục tấn, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Cục Y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), việc doanh nghiệp tham gia kết nối cung – cầu là tín hiệu tích cực, đánh dấu sự quay lại thị trường dược liệu trong nước sau nhiều năm nhập khẩu, cũng như hiệu quả bước đầu của chủ trương xã hội hóa trồng dược liệu.
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu và Luật Dược (sửa đổi) về phát triển nuôi trồng, sản xuất dược liệu trong nước, thời gian qua, Cục Y, dược cổ truyền đã tập trung triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp nuôi trồng và sử dụng dược liệu trong nước. Theo chân doanh nghiệp đi “chọn” đất trồng dược liệu, chúng tôi nhận thấy, đã bắt đầu hình thành phong trào trồng dược liệu từ doanh nghiệp, có những quyết định mạnh dạn, mong thay đổi những nghịch lý của ngành dược liệu trong nước. Công ty TNHH Dược thảo Hoàng Thành NB mạnh dạn đầu tư trồng tại Ninh Bình, nơi chưa từng được đánh giá có tiềm năng cây thuốc, không nằm trong quy hoạch vùng trồng dược liệu quốc gia, nhưng có những thung lũng đá vôi, đất đồi phù hợp cho dược liệu sinh trưởng. Công ty thuê của người dân 11,7 ha đất đồi tại xã Văn Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình), sau một năm san đất, mở đường, kéo điện, lắp hệ thống bơm bán tự động, đến nay đã phủ xanh cây dược liệu. Tám cây trồng khảo nghiệm gồm ngưu tất, cúc hoa, địa hoàng, đan sâm, mạch môn, đương quy, cát cánh, bạch biển đậu đều thích hợp đất và khí hậu ở thung lũng đá vôi này; kết quả kiểm tra cho thấy hoạt chất rất tốt. Mùa đầu tiên, cúc hoa đạt 70 kg/sào; ngưu tất 900 kg khô/sào, đương quy đang sinh trưởng tốt, địa hoàng giữ lại làm giống, doanh thu dược liệu dự kiến hơn 300 triệu/ha/năm. Công ty đầu tư trên mảnh đất này cũng là để “đánh thức” vùng trồng trạch tả tại các huyện Kim Sơn, Yên Khánh sau nhiều năm người dân bỏ trồng do không có đầu ra. Hiện nay, công ty đã tìm được đầu mối tiêu thụ 60 ha trạch tả tại đây. Phó Giám đốc công ty Phạm Thị Hồng Nhật cho biết, đơn vị sẽ “đứng chân” tại đây, mở rộng diện tích trồng dược liệu, kết nối với các nhà máy để thu mua trạch tả. Không thể kéo dài tình trạng trong nước trồng được trạch tả chất lượng tốt mà vẫn phải nhập khẩu, như ở Ninh Bình còn tới 70 tấn trạch tả tồn trong dân, trong khi mỗi năm vẫn nhập khẩu hơn một nghìn tấn.
Công ty Cổ phần Solavina phát triển dự án “Dược Liệu Việt” tại 5 tỉnh vùng Tây Nguyên
Vốn là doanh nghiệp đầu tư xây dựng, Công ty cổ phần Dược liệu Solavina chuyển sang trồng dược liệu với định hướng áp dụng tư duy công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và xuất khẩu dược liệu. Một năm qua, công ty đã triển khai trồng hơn 100 ha cà gai leo, ngưu tất, thiên niên kiện tại các tỉnh Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa theo tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu), xây dựng trung tâm giống, phân bón, khu sơ chế tại chỗ. Các cây ngắn ngày như cà gai leo đã cho thu hoạch.
Thành công của Solavina trong việc xây dựng phát triển thành công cây Cà Gai Leo đạt tiêu chuẩn GACP-WHO
Hiện, công ty đang có những chuyến khảo sát dài ngày tại các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk để thực hiện kế hoạch mở vùng trồng các cây có giá trị như: đương quy, đan sâm, đẳng sâm, với tổng diện tích khoảng một nghìn héc-ta. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Solavina ông Nguyễn Hồng Quang cho biết, dù mới khởi đầu nhưng sản phẩm thiên niên kiện của công ty đã được doanh nghiệp của Ấn Độ đặt hàng, một doanh nghiệp nước ngoài cũng ngỏ ý thuê công ty trồng dược liệu ở vùng núi cao. Ông Quang nhận định, ngành dược liệu đang có những thuận lợi, được quan tâm định hướng của Chính phủ. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Sơn La, Yên Bái, Lâm Đồng… thời gian qua cũng đã có một số doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu.
Cần những chính sách “tiếp sức”
Có thể thấy, bên cạnh mô hình trồng truyền thống như: nhà máy sản xuất thuốc liên kết với người dân trồng dược liệu; địa phương trồng dược liệu theo đề án, dự án; người dân trồng tự phát, thì mô hình doanh nghiệp chuyên nuôi trồng dược liệu đang đánh thức một cách tích cực tiềm năng dược liệu trong nước. Theo đánh giá của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, mô hình xã hội hóa trồng dược liệu đang đi đúng hướng, đó là huy động các nguồn lực cho nuôi trồng, sản xuất dược liệu và cần được khuyến khích để phát triển. Mô hình này cho ra sản phẩm nhanh, không tốn ngân sách nhà nước và hạn chế những bất cập lâu nay trong trồng dược liệu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng một số lãnh đạo các bộ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam
Tìm hiểu quá trình phát triển vùng dược liệu tại các tỉnh như Hà Giang, Quảng Ninh…, chúng tôi thấy, tuy dược liệu ngày càng mở rộng, có một số sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nhưng cũng đã xuất hiện nhiều trở ngại như: đất đai sản xuất manh mún, người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và thu hái, giao thông khó khăn, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, đầu ra chưa ổn định… Những khó khăn đó khiến các điểm trồng chưa khai thác được các thế mạnh riêng để trở thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu 80 nghìn tấn dược liệu/năm trong cả nước. Tổng sản lượng dược liệu trồng hằng năm mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu trong nước.
Từ mô hình xã hội hóa trồng dược liệu tại địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trịnh Đức Hưng cho rằng, đây là cách tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, người nông dân dồn đất không có hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp thuê và tự doanh nghiệp đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dược liệu. Với cách làm này, doanh nghiệp chủ động, rút ngắn được thời gian đầu tư. UBND huyện Nho Quan sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dược liệu, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, đến năm 2021 đạt quy mô từ 500 đến một nghìn héc-ta trên đất hai vụ lúa, đất đồi.
Một vấn đề lâu nay chưa được giải quyết triệt để khiến cho doanh nghiệp trồng dược liệu trong nước lo ngại, đó là việc nhập lậu dược liệu đang rất phức tạp. Thời gian qua, công tác phòng, chống buôn lậu dược liệu chưa hiệu quả, vẫn diễn ra tình trạng nhập khẩu chính ngạch dược liệu nhưng núp dưới hình thức nhập hoa quả khô, khiến dược liệu nuôi trồng trong nước không cạnh tranh được với hàng nước ngoài. Luật Dược (sửa đổi) đã có quy định không chào thầu dược liệu nhập khẩu nếu dược liệu trong nước đáp ứng yêu cầu, nhưng thực tế cơ quan quản lý cũng chưa kiểm soát được số lượng dược liệu trong nước dẫn đến tình trạng cho nhập khẩu cả những hàng đang dư thừa trong nước.
Theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, thời gian tới, khi duyệt đơn hàng nhập khẩu, cơ quan quản lý cần kiểm tra, trao đổi thông tin hai chiều xem nguồn hàng trong nước đã đáp ứng hay chưa, vì sao doanh nghiệp không sử dụng hàng trong nước, từ đó có những quyết định phù hợp. Để có đầu ra ổn định, cần gắn kết 226 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước với các vùng trồng, bởi các cơ sở sản xuất là nơi tiêu thụ số lượng dược liệu nhiều nhất. Nếu không có giải pháp gắn kết thì các chủ trương về hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cũng sẽ đi vào ngõ cụt, nguồn lực xã hội bị lãng phí, dược liệu trồng ra không biết bán cho ai. Hoặc có thể, khi trồng ra nhiều, dược liệu lại bị doanh nghiệp nước ngoài thu mua, lập cơ sở sản xuất chiết hoạt chất ngay trên “sân nhà” nhằm lách việc hạn chế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cho đấu thầu các dược liệu bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc trồng trong nước nhưng hiện tại chưa đạt chuẩn GACP-WHO để vừa có đầu ra ổn định, vừa nâng cao chất lượng dược liệu, vị thuốc tại các cơ sở y tế. Quy hoạch phát triển dược liệu quốc gia cần được điều chỉnh bởi có nơi nằm trong quy hoạch lại chưa được quan tâm phát triển, có địa phương không nằm trong quy hoạch nhưng đã trồng, cho ra sản phẩm tốt (như Ninh Bình, Hòa Bình…), tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp khi không có chính sách hỗ trợ và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn