Trồng cây dược liệu, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu hàng hóa là một trong những chủ trương của Đảng, Nhà nước trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Việc lựa chọn cây trồng phù hợp gắn với kỹ thuật trồng trọt, thu hái, chế biến theo hướng dẫn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO) là một thách thức, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân) để tạo ra hướng phát triển mới trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

299dsc2393

Bài 1: Cần quản lý và phát triển cây dược liệu một cách khoa học
Đã từ lâu, ở nước ta có nhiều mô hình trồng dược liệu của bà con mang lại giá trị kinh tế cao, lên đến hàng trăm triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, việc phát triển và sử dụng dược liệu đang bị đe dọa bởi thói quen “ăn xổi” của người dân khi nạn chặt tận gốc, tróc tận rễ vẫn đang diễn ra… Vì vậy, để dược liệu thật sự là cây thoát nghèo cho người dân, Nhà nước cần có kế hoạch quản lý và phát triển một cách khoa học.

Từ cây “xóa đói, giảm nghèo”
Ngày 27-2-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo đó, sẽ có tám vùng khai thác tự nhiên và tám vùng quy hoạch trồng dược liệu tập trung, trong đó có vùng Tây Bắc. Ngoài việc giúp người dân vùng Tây Bắc xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành xây dựng NTM, cây dược liệu còn làm thay đổi cơ cấu cây trồng của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao trình độ sản xuất của người dân thông qua việc tăng cường khả năng trao đổi, liên kết giữa các vùng miền nhằm từng bước đưa kinh tế vùng Tây Bắc phát triển bền vững.
Cao Bằng là tỉnh đi đầu ở khu vực Tây Bắc trong việc phát triển cây dược liệu. Theo các nhà khoa học, Cao Bằng có tiềm năng phát triển kinh tế rừng, nhất là cây dược liệu quý mọc tự nhiên, như hoàng tinh, ngưu tất, tam thất, kim tuyến… Ông Nông Văn Dù, ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, có thu nhập khá cao nhờ trồng dược liệu, nhớ lại: “Trước đây, khi chưa được chính quyền quy hoạch vùng nguyên liệu, người dân trong vùng quanh năm vào rừng hái thuốc. Những loại thuốc quý như hà thủ ô, có lúc thương lái đến thu mua tới hàng tấn, cho thu nhập hàng triệu đồng. Ham lợi ích trước mắt, nhiều người còn chặt cả cành, nhổ cả gốc đem bán, cho nên nhiều cây thuốc quý đã trở thành rất hiếm tại Phia Đén”.
Việc khai thác cây thuốc một cách tự nhiên nhưng chưa có khái niệm trồng mới còn diễn ra tại xã Quân Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn. Ông Lý Hồng Chứ, một thầy lang, khi được hỏi về nguồn dược liệu trong chế biến thuốc cho biết, mỗi lần cần cây thuốc để chữa bệnh ông đều thuê người dân vào rừng hái với số tiền công từ 30 đến 50 nghìn đồng/người. Dược liệu mọc tự nhiên cho nên người dân cứ mặc sức khai thác.
Nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Cao Bằng Hoàng Thái cho biết: Từ năm 2002, tỉnh đã xây dựng đề án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng và chế biến cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”, giao Công ty cổ phần giống cây trồng Cao Bằng thực hiện từ năm 2006 đến 2008. Kết quả, đã xây dựng thành công mô hình sản xuất dược liệu hàng hóa. Sử dụng công thức cây trồng mới, đưa doanh thu trên một đơn vị diện tích đất trồng một vụ ngô tăng từ 18 triệu/ha lên 91,8 triệu/ha (nếu trồng đương quy) và 75,1 triệu/ha (nếu trồng bạch truật).
Không chỉ tỉnh Cao Bằng thành công trong quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, mà tỉnh Hà Giang cũng thu được những thành công tương tự. Có mặt tại huyện vùng cao Quản Bạ, được nghe lãnh đạo huyện kể về những gian nan trong buổi đầu đưa cây dược liệu và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thuốc quý về với bà con nơi đây, mới thấy hết cái khó, cái khổ của những người đi tiên phong trong việc đưa cây dược liệu thành cây xóa đói, giảm nghèo. Không dừng lại ở việc nói sao cho bà con hiểu, các anh còn “cầm tay chỉ việc” cho bà con thông qua những mô hình điểm đang cho giá trị kinh tế cao nhằm xóa đi tâm lý “ăn xổi” đối với cây dược liệu. Với chiến lược phát triển ba cây, ba con theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh gắn với xây dựng NTM. Hiện, huyện Quản Bạ đã quy hoạch và triển khai hiệu quả Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với trồng mới 500 ha, phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 2.940 ha trồng cây dược liệu, đồng thời phát huy hiệu quả mô hình các hợp tác xã (HTX) phát triển cây dược liệu. Nhờ có sự mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây dược liệu, đến nay sản phẩm thu hoạch/ha đất canh tác trong huyện đã đạt xấp xỉ ngưỡng 39 triệu đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Lệnh Thế Hội cho biết: “Do sớm xác định trồng dược liệu là cây xóa đói, giảm nghèo, cho nên huyện đã chủ động mời Công ty DKPharma cùng các doanh nghiệp (DN), nhà khoa học đầu tư và hiện đã hình thành những mô hình trồng dược liệu liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, DN và người dân”.
Được biết, theo tính toán của các chuyên gia, trồng dược liệu quý cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa và các cây lương thực khác. Lấy thí dụ với một ha trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng/năm; cây A-ti-sô từ 60 đến 80 triệu đồng/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm. Kết quả đáng thuyết phục này đã góp phần tạo sự tin tưởng và hình thành quyết tâm gắn bó với cây dược liệu của người dân vùng núi Tây Bắc.

Thay đổi tập quán canh tác
Trồng dược liệu quý đem lại nguồn lợi kinh tế cho người nông dân là điều không thể phủ nhận. Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế): Nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60 nghìn tấn/năm, trong khi đó Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại (khoảng 70%) phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po…
Nhu cầu về dược liệu là rất lớn, nhưng để dược liệu thật sự là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, DN và người nông dân trong việc bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, và vươn ra thị trường thế giới.
Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty trà Kolia, đặt tại huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm, cần thay đổi tập quán canh tác và xóa bỏ tâm lý “ăn xổi” dược liệu của người dân: “Lâu nay người dân khai thác tràn lan nguồn dược liệu tự nhiên mà không tính đến hậu quả. Công ty chúng tôi rất muốn hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu, nhưng điểm yếu nhất lúc này vẫn là công nghệ. Cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, lâu dài mới đưa vào trồng đại trà, khuyến khích người dân làm theo”.
Để bảo tồn, phát triển cây thuốc quý và hỗ trợ DN, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã có được lời giải cho “bài toán liên kết”, vấn đề vốn làm đau đầu nhiều địa phương trong cả nước. Theo ông Vũ Văn Triển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, từ năm 1999 đến 2003, huyện đã mạnh dạn chuyển 700 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng dược liệu và nuôi thủy sản. Bên cạnh đó là chủ động tìm đối tác thu mua nguyên liệu cho người nông dân. Điều đáng nói là trong 700 ha diện tích chuyển đổi, cây đinh lăng chiếm 180 ha/459 ha cây dược liệu của toàn huyện.
Hiện thị trường cây đinh lăng đang được giá, nếu chăm sóc tốt mỗi cụm sẽ cho bảy kg củ, mỗi kg củ có giá lên tới hai đến ba triệu đồng (với cây lâu năm) còn những loại cây trồng được hai đến ba năm thì giá rẻ hơn khoảng 27 nghìn đồng/kg. Ngoài Công ty cổ phần dược phẩm Traphaco đang thu mua với giá 40 nghìn đồng/kg, trên địa bàn huyện còn có sáu đại lý khác cùng tham gia mua, hỗ trợ giống cho bà con với giá 52 nghìn đồng/kg.
Ông Trần Đình Thắng, nông dân xã Hải Châu, huyện Hải Hậu không giấu được niềm vui, cho chúng tôi biết: “Hiện gia đình đang trồng một ha cây đinh lăng kết hợp với nuôi cá. Chỉ tính riêng một ha đinh lăng, sau khi trừ các khoản chi phí, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm”.
Khi những vùng nguyên liệu đầu tiên được hình thành, cũng là lúc tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự cung tự cấp bị rơi vào quên lãng. Người nông dân bắt đầu chủ động chuyển đổi giống cây trồng từ cây nông nghiệp sang cây dược liệu và sản phẩm làm ra bước đầu được thị trường chú ý, chấp nhận. Những tưởng mọi sự sẽ “xuôi chèo mát mái” thì lại xảy ra một nghịch lý: Cây thuốc do người dân trồng, chăm sóc được các chuyên gia đánh giá cao về chất lượng nhưng bán không ai mua. Lý do: Cây dược liệu trồng tốt nhưng DN lại trả giá ngang bằng với dược liệu tự nhiên chất lượng thấp hơn. Dẫn đến, thay vì tiếp tục đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thì nhiều địa phương đã chọn giải pháp giữ nguyên vùng nguyên liệu, còn lại rất ít địa phương mạnh dạn “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư. Và con đường để dược liệu thật sự trở thành thế mạnh trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được xem là vẫn còn lắm gian nan.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung dược liệu quý với gần 4.000 loài đang được sử dụng làm thuốc trên tổng số 12 nghìn loài thực vật hiện có… Nhưng có một nghịch lý, hằng năm Việt Nam phải nhập khẩu từ 70đến 90% dược liệu để sản xuất thuốc. Trong khi nguồn dược liệu trong nước lại vô cùng phong phú và bị thẩm lậu qua đường tiểu ngạch hoặc do thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua

(Tin Tây Đô – Nguồn nhandan.com.vn)