Dược liệu sạch- xu hướng phát triển ở Việt Nam

VOVGT – Việc đầu tư vào các vùng trồng dược liệu sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế đang trở thành 1 xu thế không thể đảo ngược để nhận được sự ủng hộ bền vững từ người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển việc chăm sóc sức khỏe vẫn còn ít nhiều liên quan đến Y học cổ truyển hoặc thuốc từ dược thảo truyền thống để bảo vệ sức khỏe. Xu thế hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều các loại thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc thảo dược vì nó thực sự có hiệu quả trong điều trị bệnh và ít tác dụng phụ.

Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhưng có một thực tế đặt ra là tuy nước ta được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng phong phú và đa dạng. Số loài cây thuốc theo dự đoán có thể lên đến trên 6.000 loài. Nhưng nguồn dược liệu này đang ngày càng cạn kiệt do khai thác quá mức mà thiếu sự bảo tồn. Trong khi đó, nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ, chưa có định hướng phát triển nên dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.

Chính vì thế mà nguồn dược liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10-20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng dược liệu nhập khẩu khó quản lý, thường đối mặt với những nguy cơ như: không đạt về độ ẩm, hàm lượng hoạt chất; nhóm dược liệu giả mạo thường được dùng là các dược liệu có hình dạng giống nhau hoặc dược liệu giả được trộn lẫn với được liệu thật và lấy tên dược liệu thật.

 

Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định 1976 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trong cả nước. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Việc chúng ta chủ động được nguồn dược liệu trong nước sẽ giúp tận dụng được nguồn tài nguyên thảo dược phong phú, tạo ra sản phẩm có giá thành rẻ, chất lượng tốt, và đồng thời còn góp phần tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân chuyên trồng cây dược liệu.

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra tại một đơn vị kinh doanh dược liệu

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc từ thảo dược ngày càng nhiều trong cộng đồng, không ít doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực Dược đã tự phát triển các vùng trồng dược liệu nhằm cung cấp cho thị trường hoặc để ổn định nguồn nguyên liệu công ty.

Việt Nam đã xây dựng được vùng trồng một số loại cây thuốc để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất thuốc như: Tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã đầu tư phát triển sâm ngọc linh; Tỉnh Thanh Hóa xây dựng quy trình trồng 7 cây thuốc tạo nguyên liệu cho sản xuất thuốc; Xây dựng vùng trông hòe xen canh với công nông nghiệp ở Tây Nguyên; Xây dựng vùng trồng tràm để trưng cất tinh dầu ở Đồng Tháp Mười; Xây dựng vùng trồng Atiso và Chè dây tại Sapa (Lào Cai), Lâm Đồng; Trồng kim tiền thảo tại Bắc Giang.

Có thể nói xu hướng phát triển vùng trồng dược liệu sạch ở Việt Nam là một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng thuốc từ thảo dược của đa số người Việt Nam, và cũng hợp với chủ trương chính sách của Nhà nước. Những bài thuốc quý trong dân gian của cha ông ta giờ đây đã được kế thừa, phát huy thông qua công nghệ chiết xuất hiện đại, kết hợp cùng các vị thuốc quý khác tạo hiệu quả điều trị cao, và sự an tâm khi sử dụng vì sản phẩm hầu như không gây tác dụng phụ.

Nguồn: http://vienduoclieu.org.vn/