Đặc điểm thực vật
Thanh cao là một loại cỏ mọc hàng năm, cao từ 0,5 – 2 m (trong điều kiện trồng trọt cây có thể cao 2 – 3 m hoặc hơn). Toàn cây có mùi thơm nhẹ, lá mọc cách, phiến lá phía dưới 3 lần xẻ thuỳ, phần trên 2 lần xẻ lông chim và hợp thành những dải rất hẹp. Khi hoa nở, toàn cây được coi như một chuỳ kép (hình tháp), gồm nhiều cành cấp 1, mỗi cành cấp 1 có nhiều cành cấp 2, mỗi cành cấp 2 lại có nhiều cành cấp 3 mang từ 3 – 7 cụm hoa. Cụm hoa hình đầu rất nhỏ, có đường kính từ 2 – 2,5 mm, nằm trong một tổng bao gồm 6 – 8 lá bắc hình bầu dục. Mỗi cụm hoa chứa 25 – 35 hoa, trong đó có 5 – 8 hoa cái (không có nhị đực) xếp ở vòng ngoài và 20 – 25 hoa lưỡng tính ở giữa. Hoa rất nhỏ, dài từ 1-1,2 mm có tràng hoa màu vàng nhạt. Hạt (quả bế) hình trứng, rất nhỏ, vỏ có rãnh dọc và chứa các tuyến tinh dầu.
Mùa hoa tháng 2 – 5. Mùa quả tháng 7 – 9.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Thanh cao là cây bản địa của các vùng Đông và Bắc Mỹ, từ miền Trung đến tận miền Nam châu Âu và gần như toàn bộ châu á. Nhưng cây Thanh cao mọc tập trung và nhiều nhất là ở Trung Quốc , Trung á và Việt Nam.
ở Việt Nam, Thanh cao mọc hoang và chính thức được nhà thực vật học người Pháp Gagnepain phát triển và mô tả vào năm 1922. Hiện Thanh cao được trồng nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Cạn và Hải Dương.
Cây Thanh cao có bộ rễ chùm ăn nông trên mặt đất (25 – 30 cm), chịu hạn tốt, kém chịu úng, thích nghi với những vùng thuận mưa, nắng nhiều. Nhiệt độ tốt nhất cho cây từ 26 – 28oC. Cây Thanh cao kém phát triển khi nhiệt độ dưới 10oC và trên 40oC. Lượng mưa thích hợp 1400-1600 mm/năm, độ ẩm tốt nhất cho cây Thanh cao phát triển từ 80 – 85% và ánh sáng quang hợp đầy đủ.
Cây Thanh cao là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ sống, sinh trưởng nhanh, chóng thu hoạch. Thời gian sinh trưởng từ khi nảy mầm đến lúc ra hoa kết quả từ 8 đến 10 tháng đối với các tỉnh phía Bắc, còn các tỉnh phía Nam thì ngắn hơn.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Lá Thanh cao chứa tinh dầu, các tecpenoid trong đó thành phần chính là artemisinin. Cây Thanh cao trồng làm dược liệu lấy lá chiết xuất artemisinin để chữa bệnh sốt rét. Hàm lượng artemisinin trong các giống Thanh cao ở Việt Nam biến động từ 0,27% đến 1,62%.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc ở cây Thanh cao là lá cây Thanh cao.
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Thanh cao có vị cay tính mát vào 2 kinh can và đởm. Có tác dụng thanh nhiệt, bổ hư lao, chữa sốt rét, lợi tiểu, thông khí trệ.
Trong dân gian, Thanh hao hoa vàng được dùng chữa bệnh kết hạch, sốt, sốt rét, mồ hôi trộm, ăn uống kém. Chữa trẻ em cảm gió, phát sốt, kinh giật. Dùng ngoài chữa ghẻ lở, ngứa…
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, Thanh cao dùng trị sốt rét, vàng da, chán ăn và một số bệnh ngoài da.
Theo y học hiện đại
Thanh cao là nguồn nguyên liệu để chiết artemisinin. Artemisinin có tác dụng chống kí sinh trùng sốt rét, kể cả các thể đã kháng chloroquin.
Các dẫn chất của artemisinin như DHA, flourartemisini, artesunat natri… cũng có tác dụng diệt kí sinh trùng sốt rét…
Be the first to review “Thanh cao”