HOÀI SƠN
Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain et Burkill
Họ:Củ nâu (Dioscoreaceae).
Tên khác: Khoai mài, sơn dược, mằn chèn (Tày), hìa dòi (Dao)…
Tên vị thuốc: Hoài sơn.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Dioscorea L. là chi duy nhất trong họ Dioscoreaceae, có tổng số khoảng 140 loài đều là loại dây leo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Đông và Đông Nam châu Á. Ở Việt Nam có khoảng 30 loài, một số là cây trồng lấy tinh bột từ củ và hầu hết được dùng làm thuốc.
Đặc điểm thực vật
Cây dây leo, thân nhẵn, hơi có cạnh và viền cạnh có màu đỏ. Lá đơn mọc so le hay mọc đối hình tim dài, đầu nhọn, nhẵn, dài 8 – 10 cm, rộng 6 – 8 cm, gân lá 5 – 7, cuống lá dài 1,5 – 3,5 cm. Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, màu vàng, hoa đực và hoa cái khác gốc, cụm hoa đực dài 40 cm, cụm hoa cái cong dài 20 cm, bao hoa có 6 phiến dài bằng nhau, có 6 nhị.
Củ hình thành từ chùm rễ tia củ, hình trụ và có khía ở phía dưới, chiều dài củ 30 – 50 cm.
Điều kiện sinh thái
Cây hoài sơn là cây ưa sáng và ưa ẩm, thích hợp ở đất giàu dinh dưỡng, có tầng canh tác dày hoặc đất có nhiều mùn.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Bộ phận dùng là rễ củ.
Công dụng:Trong y học cổ truyền hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, chữa suy dinh dưỡng cho trẻ em, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, di niệu, thận suy, mỏi lưng đi tiểu nhiều, bạch đới, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm.
Ngày dùng từ 10g đến 20g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.