HUYỀN SÂM
Tên khoa học: Scrophularia ningpoensis Hemsl.
Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên khác: Hắc sâm, nguyên sâm, giác sâm, quảng huyền sâm.
Tên vị thuốc: Huyền sâm.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Chi Scrophularia L. gồm các đại diện là cây thân thảo hay cây bụi, phân bố ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Ở Trung Quốc có một số loài được dùng làm thuốc như huyền sâm – S. ningpoensisHemsl.; S. kakudensis Franch và S. oldhami Oliv. Huyền sâm được di thực từ Trung Quốc vào nước ta từ những năm 60. Cây trồng ở Việt Nam thích nghi với khí hậu của vùng nhiệt đới, núi cao từ 1.000 đến 1.700 m.
Đặc điểm thực vật
Huyền sâm thuộc cây thân thảo, cao 1,0 – 1,5 m thân vuông, màu xanh có rãnh dọc, bốn góc hơi lồi ra, lá hình trứng, mọc đối chữ thập, mép có răng cưa nhỏ và đều, dài 3 – 8 cm, rộng 2 – 6 cm, cuống ngắn, ra hoa vào mùa hạ, mọc thành chùm. Hoa hình ống, màu vàng nâu, quả màu xanh, khi chín màu đen, chứa nhiều hạt nhỏ màu đen.
Điều kiện sinh thái
Huyền sâm là cây có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng ở cả 3 vùng khí hậu đồng bằng, trung du và miền núi. Phát triển tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình từ 15 – 18oC. Lượng mưa hàng năm 1.500 – 2.800 mm.
Đất trồng thích hợp là đất phù sa pha cát, cao ráo, thoát nước, đất rừng mới khai hoang đều trồng tốt.