Thảo Quả
Tên khoa học: Amomum aromaticum Roxb. (Amomum trao-ko lrevozt
et lemaric).
Họ gừng: Zingiberaceae.
Tên vị thuốc: Thảo quả.
Tên khác: Thảo quả, Đỗ ho, Mác hau (Thái).
Đặc điểm thực vật
Thảo quả là cây cỏ nhiều năm có thể cao tới 2 – 3 m, thân rễ mọc ngang nên tạo thành những bụi lớn đường kính tới 2,5 – 4 m. Lá mọc sole, có cuống ngắn gần như không cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài tới 70cm, rộng 20 cm (hoặc hơn), nhẵn, mặt trên mầu lục sẫm, mặt dưới mầu nhạt hơn. Cụm hoa dạng bông mọc từ gốc dài 12-20 cm. Hoa mầu đỏ nhạt, to. Quả hình trứng, mầu đỏ sẫm, đường kính 2 – 3 cm chia 3 ô, mỗi ô chứa nhiều hạt. Hạt có áo hạt rất thơm.
Cây ra hoa tháng 5 – 7, ra quả tháng 8 – 12.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Thảo quả là loài thực vật phân bố ở ấn Độ, Nepal, Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam. ở nước ta, Thảo quả có ở vùng núi cao lạnh, dưới tán rừng đất ẩm nhiều mùn Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Nhân dân đã đưa Thảo quả vào trồng dưới tán rừng cây to vùng núi cao có thời gian lạnh và mây mù kéo dài.
Thảo quả là cây ưa bóng, ưa ẩm và chịu lạnh. Cây phát triển tốt trên đất mùn alít núi cao có khí hậu lạnh, nhiệt độ bình quân không lớn hơn 20oC, có trên 5 tháng nhiệt độ dưới 15oC, dưới tán rừng được che bóng từ 40 – 70%, độ ẩm cao (> 85%), số tháng có sương mù cao (> 7 tháng).
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Hạt Thảo quả chứa: Tinh bột, alcaloid, tinh dầu (1,07- 1,49%).
Tinh dầu Thảo quả chứa: b- pinen, sabinen, a- phelandren, myrcen, limonen, 1,8 – cineol, …
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là quả chín phơi khô của cây Thảo quả. Khi dùng bỏ loại vỏ chỉ lấy hạt.
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Thảo quả có vị ngọt cay, tính ôn, quy vào 2 kinh tỳ và vị, có tác dụng táo thấp, khử hàn, trừ đờm, triệt ngược, tiêu thực, hoá tích, kiện tỳ, giải độc.
Thảo quả là thuốc chữa đau bụng, đầy trướng, nấc cụt, nôn oẹ, tiêu chảy, sốt rét,láchto, đờm ẩm tích tụ, hôi miệng.
Dùng làm gia vị.
Theo y học hiện đại
Thảo quả nâng cao tỷ lệ sống của các động vật thí nghiệm đã tiêm nọc rắn độc hoặc kéo dài thời gian cầm cự của động vật thí nghiệm với độc tính của nọc rắn.
Tinh dầu Thảo quả gây cảm ứng hệ thống cytochrom P450 ở gan bằng đường phun xông.