Mướp đắng
Tên khoa học: Momordica charantiaL.
Họ: Bầu bí (Cucurbitaceae).
Tên khác: Khổ qua, lương qua, cẩm lệ chi.
Tên vị thuốc: Khổ qua.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Mướp đắng có nguồn gốc từ Châu Phi, Ấn Độ hoặc Nam Trung Quốc. Hiện nay, mướp đắng được trồng ở nhiều nước trên thế giới hầu hết các nước nhiệt đới từ châu Phi sang châu Á và châu Mỹ. Ở Việt Nam, cây được trồng ở hầu hết các tỉnh từ đồng bằng đến trung du và miền núi.
Đặc điểm thực vật
Mướp đắng là loại cây dây leo, thân có góc cạnh, lá mọc so le, phiến lá chia 5 – 7 thùy hình trứng, mép có răng cưa. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, hoa đực cái cùng gốc, có cuống dài màu vàng nhạt. Quả to hình thon dài, trên mặt có nhiều u nổi lên, lúc còn non có màu xanh, khi chín có màu vàng hồng. Hạt dẹt gần giống hạt bí ngô, quanh hạt có màng đỏ như hạt gấc.
Điều kiện sinh thái
Mướp đắng là cây có biên độ sinh thái tương đối rộng. Ở Việt Nam, mướp đắng được trồng nhiều nơi trên toàn quốc. Trong đó khu vực đồng bằng cho năng suất cao nhất.
Mướp đắng sinh trưởng, phát triển tốt ở các vùng có đất đai màu mỡ, nhiều mùn, cao ráo, dễ thoát nước. Nhiệt độ thích hợp 15 – 30o C, về mùa đông nhiệt độ thấp cây vẫn sống được. Lượng mưa hàng năm dưới 2000 – 2400 mm.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng:Quả, lá và hạt. Quả thu hái khi có màu vàng lục dùng tươi. Hạt lấy ở quả chín, phơi khô. Lá và rễ thu quanh năm.
Công dụng: Quả mướp đắng được dùng làm thuốc mát, chữa ho, sốt, đái rắt, đái buốt, bệnh phù thũng do gan nhiệt, chữa đái tháo đường. Ngày dùng 1 – 2 quả còn xanh bỏ hạt, nấu ăn. Quả dùng tắm cho trẻ trừ rôm sảy. Lá mướp đắng khô 12 g, tán bột hòa với nước hay rượu uống kết hợp lấy lá tươi giã nát đắp ngoài chữa nhọt độc sưng tấy, các vết thương nhiễm độc. Hoa mướp đắng phơi khô tán nhỏ uống chữa đau dạ dày.