BA GẠC ẤN ĐỘ
Tên khoa học: Rauvolfia serpentina (L.) Benth. ex Kurz.
Họ:Trúc đào (Apocynaceae)
Tên khác: Ba gạc hoa đỏ, ba gạc thuốc, Ấn Độ xà mộc.
Tên vị thuốc: Ba gạc.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Là cây nhiệt đới, phân bố khá rộng rãi ở vùng Nam Á, từ vùng cận Himalaya thuộc Ấn Độ, Nepan, Pakistan, Myanmar đến Srilanca, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, và các nước Đông Dương. Cây được nhập nội vào Việt Nam.
Đặc điểm thực vật
Ba gạc Ấn Độ là một trong những loài ba gạc 4 lá, cây nhỏ cao 40 – 60 cm đến 1 m. Thân có những nốt sần nhỏ màu lục xám. Lá mọc vòng 3 có khi 4 – 5; phiến lá hình ngọn giáo dài 4 – 16 cm, rộng 1 – 3 cm, gốc thuôn, chóp nhọn. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành xim tán hoặc chùy, dài 4 – 6 cm. Hoa và cuống lá màu hồng hay đốm hồng, 5 lá đài không màu, tràng 5 cánh, có ống phình ra ở một phần ba phía trên, nhị 5 dính ở chỗ phình của ống tràng, bầu có hai lá noãn rời. Quả dài xếp từng đôi, hình trứng, khi chín có màu đỏ tươi rồi chuyển sang màu tím đen. Ra hoa tháng 6 – 8, có quả tháng 9 – 11. Ở đồng bằng, hoa có thể nở quanh năm.
Điều kiện sinh thái
Ba gạc Ấn Độ thuộc loại cây ưa sáng, ưa ẩm. Cây sinh trưởng và phát triển rất khỏe, có khả năng chống chịu cao với điều kiện thời tiết bất lợi và sâu bệnh hại, sống được ở nhiều vùng, trên nhiều loại đất, có khả năng chịu hạn, pH từ 5,5 – 6,5. Sinh trưởng thích hợp ở nhiệt độ từ 25 – 30oC, khi nhiệt độ xuống dưới 15oC cây sinh trưởng phát triển chậm. Độ ẩm thích hợp 80 – 90 %. Yêu cầu lượng mưa trung bình hàng năm từ 800 – 1000mm.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Rễ và vỏ rễ được phơi hay sấy khô.