Đặc điểm thực vật
Lão quan thảo là cây sống nhiều năm, thân mảnh, cao 50 – 160 cm. Cây phân cành nhiều, có lông màu trắng bạc. Lá mọc đối, có lá kèm, cuống lá dài 5 – 10 cm; phiến lá tròn, xẻ 3 – 5 thuỳ chân vịt, mặt trên màu xanh đậm, ít lông, mặt dưới màu xanh nhạt, nhiều lông trên gân. Hoa mọc ở nách lá và đỉnh cành, mỗi cụm hoa có hai hoa. Hoa có năm lá đài xanh nhạt, năm cánh hoa màu trắng, mặt trong có gân màu tím nên trông cánh hoa như phớt hồng. Nhị năm vàng tím. Bầu thượng năm ô, có lông nhung, vòi dài. Quả nang, khi chín tự tách thành năm phần. Vỏ quả tách khỏi đế quả, cong lên phía trên tạo sức bật lò xo để phát tán hạt. Hạt hình trứng, mỗi ô một hạt, khi chín hạt nâu đen.
Cây ra hoa từ tháng 5 – 7. Quả chín từ tháng 8 – 10.
Đặc điểm sinh trưởng phát triển
Năm 1990, Lão quan thảo được nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam và đã được Viện Dược liệu trồng thử nghiệm trong 3 năm (1990 – 1993) tại Trạm nghiên cứu cây thuốc Sapa. Hạt giống được gieo vào vườn ươm tháng 8 – 9 và đủ tiêu chuẩn trồng ra ruộng vào tháng 10 – 11. Kết quả cho thấy:
Thời gian nảy mầm của hạt (từ gieo đến mọc) khoảng trên dưới 20 ngày.
Thời gian từ mọc đến đánh cây ra trồng khoảng trên dưới 75 ngày.
Thời gian từ trồng đến ra hoa: Trên dưới 200 ngày.
Thời gian từ trồng đến quả chín: Trên dưới 250 ngày.
Thời gian từ trồng đến thu dược liệu: Trên dưới 240 ngày.
Thời gian từ trồng đến khi thu hạt (để làm giống): Trên dưới 310 ngày.
Thời kỳ cây con sinh trưởng chậm, do vậy giai đoạn vườn ươm kéo dài từ 60 – 70 ngày. Cây sinh trưởng mạnh vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè, sinh trưởng chậm và ngừng sinh trưởng vào mùa thu khi cây ở giai đoạn ra hoa rộ.
Nói chung, kết quả thử nghiệm trong 3 năm cho thấy: Về đặc điểm sinh trưởng phát triển cũng như năng suất Lão quan thảo trồng ở Sa Pa (Việt Nam) không có sai khác nhiều so với tài liệu đã được công bố nơi nguyên sản.
Điều kiện sinh thái
Trên thế giới, Lão quan thảo mọc nhiều ở các nước Nepan, ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. ở Việt Nam, chưa tìm thấy Lão quan thảo mọc hoang mà chỉ có cây mỏ hạc Geranium nepalense có mọc hoang ở vùng núi cao miền Bắc như Bắc Hà, Sapa (Lào Cai) và một số vùng rừng núi có độ cao trên 1.000 m. Cây ưa đất ẩm, nhiều mùn, dễ thoát nước.
Về điều kiện khí hậu: Lão quan thảo là cây ưa ẩm với nhiệt độ hơi lạnh hoặc ôn hoà. Hạt mọc mầm tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 18 – 22o C. Hạt không có khả năng mọc mầm ở điều kiện nhiệt độ 30o C. Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng phát triển của Lão quan thảo ở ba vùng sinh thái khác nhau là Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) và Thanh Trì (Hà Nội) cho thấy: Cây sinh trưởng tốt nhất và cho năng suất cao nhất là ở vùng Sapa (Lào Cai). Đây là vùng có khí hậu lạnh mát quanh năm. Nhiệt độ trung bình năm là 15,5o C, ẩm độ không khí 88% và lượng mưa hàng năm từ 2500 – 3000 mm/năm.
Kết quả phân tích đất vùng trồng Lão quan thảo ở Sapa(Lào Cai):
Hàm lượng tổng số |
Hàm lượng dễ tiêu |
Thành phần cơ giới |
|||||||||
OM |
N |
P2O5 |
K2O |
P2O5 |
K2O |
CEC |
Ca2+ |
Mg2+ |
>0,05 |
0,05 -0,002mm | <0,002 mm |
4,79 |
0,185 |
0,275 |
0,802 |
8,51 |
26,46 |
12,20 |
5,69 |
1,76 |
14,97 |
73,92 |
11,11 |
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Định tính và định lượng sơ bộ cho thấy Lão quan thảo có thành phần hoá học như sau:
Flavonoid: Hàm lượng từ 1,98 – 2,2%, với một số thành phần sau: Kaempferol, quercetin, quercitrin…
Tanin với hàm lượng khá cao (18,16%) và giảm dần trong quá trình bảo quản. Đã phân lập và xác định cấu trúc của một số thành phần tanin sau: Elagitanin, gereniin…
Một số thành phần khác: Axit amin, amino – alcol, terpen, nhóm chất phytosterol, carotenoid, đường tự do… Ngoài ra, trong Lão quan thảo cũng chứa một lượng đáng kể các nguyên tố đa và vi lượng: Ca, Mg, Na, P…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây bỏ rễ.
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Lão quan thảo có vị đắng cay, tính bình, có tác dụng khu phong, hoạt huyết, thanh nhiệt, giải độc. Lão quan thảo được dùng chữa đau phong thấp, chân tay tê dại, viêm ruột, kiết lỵ, ung nhọt với liều 6 – 15 g/ngày, dạng thuốc sắc.
Theo y học hiện đại
Nghiên cứu một số tác dụng dược lý của Lão quan thảo được trồng ở Việt Nam cho kết quả sau:
Tác dụng kháng khuẩn trên một số chủng; Staphylococus aureus, Shigella, Samonella, Klebsiella, Pseudomonas aeruginose, Bacilus subtillus…
Tác dụng giảm đau trên mô hình gây đau bằng dung dịch axit acetic 0,6% theo đường tiêm xoang bụng ở chuột nhắt trắng.
Độc tính cấp của cao lỏng được thử trên chuột nhắt trắng có LD50 = 106,7 g/kg.
Theo một số tài liệu nước ngoài, Lão quan thảo có tác dụng cầm tiêu chảy, tăng cường công năng tuyến thượng thận, chống viêm đáng kể trên cả giai đoạn cấp và mãn tính.
Be the first to review “Lão quan thảo”