Đặc điểm thực vật
Địa hoàng là cây thân thảo, sống hàng năm, toàn thân cây có lông trắng mềm. Cây cao từ 30 – 35 cm. Lá mọc vòng ở gốc, phiến lá hình trứng ngược đến bầu dục dài, đuôi lá tù, mép lá có răng cưa không đều nhau, lá có nếp nhăn. Hoa tự mọc thành chùm trên ngọn thân cây, đài hình chuông, bên trong nứt thành 5 cánh giống như hình môi, mặt ngoài mầu tím đỏ, mặt trong mầu vàng có vân tím. Nhị cái 1, nhị đực 2, cây trồng vụ nào cũng có hoa nhưng không kết hạt. Địa hoàng thuộc loại cây rễ củ, mỗi cây có 5 đến 7 củ, củ có cuống dài, vỏ củ mầu đỏ nhạt. Địa hoàng nhân giống bằng mầm từ củ.
Mùa hoa vào tháng 5 – 6.
Điều kiện sinh thái
Địa hoàng là cây thuốc nhập nội từ Trung Quốc. Địa hoàng được trồng ở nhiều vùng thuộc Trung Quốc và Triều Tiên. Từ năm 1958, cây Địa hoàng được nhập vào Việt Nam và đã được trồng ở nhiều vùng thuộc trung du, đồng bằng và miền núi.
Địa hoàng ưa đất tơi xốp, nhiều mùn, cao ráo, thoát nước, nếu được trồng ở đất pha cát càng tốt. Đặc biệt Địa hoàng không chịu được úng, hạn, rét quá hoặc nóng quá phát triển kém thậm chí ngừng phát triển. Vì thế vụ đông miền núi trồng không được, ngược lại vụ xuân hè miền núi trồng rất tốt cũng như vụ thu đông ở đồng bằng. Địa hoàng ưa đủ ánh sáng và nhiệt độ ôn hoà từ 15 – 250 C.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Rễ củ Địa hoàng chứa:
Iridoid glycozid; catalpol (trong rễ củ tươi), rehmaniosid A, B, C, D, ajugol, aucubin, melitosid…
Ionon glucozid; rehmainonosid A, B, C và monoterpen glucosid là rehmapicrosid.
Carbon hydrat; D – glucose, D – fructose, rafinose, stachyose…
Các thành phần hoá học khác: axit amin, axit béo, catalpol, monomenosid…
Lá chứa các flavin chrysoeriol.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ (Radix Rehmanniae gluticosae).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Địa hoàng có vị ngọt, đắng, tính hàn, quy vào 4 kinh: Tâm, can, thận, tiểu trường. Có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sinh huyết, làm mát máu và cầm máu.
Thục địa có vị ngọt, mùi thơm, tính hơi ấm, quy vào 3 kinh: Tâm, can, thận. Có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ thận, làm đen râu tóc.
Địa hoàng chữa âm hư, phát nóng về chiều, khát nước nhiều, đái tháo đường, thiếu máu, suy nhược cơ thể, tạng chảy máu, thổ huyết, băng huyết, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, động thai, ban chẩn, viêm họng đau, tân dịch khô, tâm thần không yên, phiền não mất ngủ. Ngày dùng 8 – 16 g, dạng thuốc sắc.
Thục địa dùng chữa âm hư, huyết suy, chứng nóng âm ỉ, cơ thể yếu mệt, ho khí suyễn, bệnh tiêu khát, kinh nguyệt không đều, làm sáng mắt, điều kinh, bổ huyết, sinh tinh, cơ thể tráng kiện, làm đen râu tóc.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Địa hoàng tươi dùng điều trị âm suy, với nhiệt trong, sốt có lưỡi đỏ và tiêu khát, khạc máu, chảy máu cam, đau họng; thục địa chữa âm suy ở gan thận, đau nhức và yếu thắt lưng, đầu gối, sốt lao, ra mồ hôi ban đêm, di tinh, mộng tinh, đái tháo đường, thiếu máu, đánh trống ngực, rối loạn kinh nguyệt, chảy máu tử cung, chóng mặt, ù tai, bạc râu tóc sớm.
Theo y học hiện đại:Tác dụng dược lí
Trên hệ miễn dịch: Nước sắc Địa hoàng làm tăng hoạt tính tạo phân bào của phorbol myristat acetat và phytohemaglutimin trên tế bào lách của chuột cống trắng. Nhưng không có thể hiện khi không có các chất tạo phân bào trên. Điều này chứng tỏ Địa hoàng có tác dụng kích thích và điều hoà miễn dịch. Địa hoàng thể hiện hoạt tính chặn miễn dịch trên in vivo của các hoạt chất 2 – phenylethyl glycosid, các jionosid A1 và B1. Khi thử nghiệm kết hợp sử dụng Địa hoàng và glucocorticoid ở trên thỏ, thấy Địa hoàng không làm mất tác dụng của corticoid, nhưng hạn chế các tác dụng không mong muốn của corticoid trên tuyến yên và thượng thận của thỏ.
Có tác dụng hạ đường huyết trên động vật đái tháo đường với các thành phần hoạt chất là các iridoid glycozid A, C, B. Tiêm màng bụng phân đoạn các polysarcarid có cấu trúc tương tự pectin chiết từ Địa hoàng cho chuột nhắt trắng đã gây đái tháo đường bằng steptozotocin, nhận thấy: làm tăng hoạt tính của glucokinase, G6DP (glucose – 6 – dehydrogenase phosphatase) và giảm hoạt tính của G6P (glucose – 6 – phosphatase), phosphofructokinase; làm tăng tiết insulin và giảm glycogen trong gan. Địa hoàng còn có tác dụng giảm biến chứng đục thuỷ tinh thể ở bệnh đái tháo đường mãn tính trên in vitro do ức chế aldose reductase.
Địa hoàng có tác dụng an thần và lợi tiểu trên động vật thí nghiệm và thể hiện chống oxy hoá trên in vitro.
Trên chuột nhắt cái thiến, thử tác dụng của bài thuốc bổ tinh (thục địa, khởi tử), thấy gây động dục.
áp dụng thuốc tiêm bào chế từ Địa hoàng và Đan sâm cho 23 bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại biên, các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh giảm rõ rệt.
Bệnh nhân chảy máu dạ dày – ruột được điều trị bằng bột Địa hoàng và Bạch cập hay thuốc sắc của Địa hoàng, Đại hoàng, Hoàng liên, Hoàng kỳ, cho thấy làm giảm và ngừng hẳn chảy máu sau 4 – 5 ngày điều trị.
Địa hoàng có tác dụng hỗ trợ trong điều trị viêm thoái hoá hoàng điểm.
Địa hoàng còn tác dụng tăng cường sức khoẻ, tăng cường khả năng hoạt động sinh dục, chất lượng sinh tinh của các bệnh nhân nam bị suy giảm chức năng sinh dục với bài bổ thận. Đồng thời cũng có tác dụng an thai với các phụ nữ mang thai hay bị sẩy thai với bài an thai.
Be the first to review “Địa Hoàng”