Đặc điểm thực vật
Cúc hoa dạng thân thảo sống hàng năm, thân đứng cao 60 – 100 cm, phân cành nhiều. Lá đơn mọc so le, xẻ thuỳ sâu, mép có răng cưa, không cuống. Cụm hoa hình đầu ở nách lá và đầu cành, đường kính 1 – 1,5 cm, cuống dài tới 2 – 3 cm, lá bắc xếp 3 – 4 hàng. Hoa tự có các hoa vòng ngoài cánh hoa phát triển hình lưỡi xếp 2 vòng có mầu vàng sặc sỡ, các hoa vòng trong cánh hoa hình ống, mầu vàng. Quả bế có mào lông phát tán nhờ gió.
Mùa hoa quả từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Cây Cúc hoa có nguồn gốc Đông á đưa vào Việt Nam trồng từ lâu. Cây ưa sáng, ưa ẩm, không chịu được khô hạn. Sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 20 – 25o C. Vụ xuân hè ở đồng bằng Bắc Bộ cây sinh trưởng mạnh, vào đông xuân cây phát triển hoa quả. Vùng trồng Cúc hoa chủ yếu là Hưng Yên, Hải Dương.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Hoa chứa carotenoid gồm: chrysanthemaxanthin, C40H56O3, có cấu trúc tương tự flavoxanthin.
Chrysanthemin (asterin, kuromamin) là một glucosid gồm cyanidin và glucosa dạng chlorid.
Trong hoa còn có: Các sắc tố vàng có luteolin dưới dạng glucosid; các hydrocarbon; các axit amin, adenin, cholin…; vitamin A và tinh dầu.
Trong tinh dầu thấy có D-camphor.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là hoa (Flos Chrysanthemii).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Cúc hoa vàng có vị hơi ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải cảm, tán phong thấp, giáng hoả, giải độc, làm sáng mắt.
Cúc hoa vàng được dùng chữa các chứng cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, đau mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt, huyết áp cao, đinh độc, mụn nhọt sưng đau. Uống lâu thấy lợi khí huyết, làm trẻ lâu. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, có thể ngâm rượu, chè ướp và dùng ngoài để chữa mụn nhọt.
Theo một số tài liệu nước ngoài, ở ấn Độ, Cúc hoa được coi có tác dụng làm dễ tiêu, nhuận tràng. ở Trung Quốc, Cúc hoa được dùng để chữa đau dây thần kinh, nhức đầu, chóng mặt, cao huyết áp, hoặc dùng ngoài để chữa viêm mủ da và một số bệnh ngoài da khác. ở Nhật Bản, Cúc hoa được dùng chữa các bệnh về mắt.
Theo y học hiện đại
Tác dụng dược lí, lâm sàng:
Tác dụng hạ huyết áp trên thực nghiệm và lâm sàng. Tác dụng này có thể theo cơ chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm và tác dụng ức chế adrenalin.
Tác dụng chống viêm thực nghiệm trên chuột cống trắng.
Hoạt tính kháng khuẩn trên các vi khuẩn gram (+) như: Streplococcus haemolyticus, Staphylococcus aureus, Shigella shigae, S. flexineri, Bacillus subtilis, E. coli…. của tinh dầu Cúc hoa trắng, Cúc hoa vàng.
Trên lâm sàng, phối hợp Cúc hoa với một số vị thuốc khác có tác dụng hạ sốt với bệnh nhân bị cảm phong nhiệt.
Be the first to review “Cúc hoa”