Đặc điểm thực vật
Hoắc hương thân cỏ sống lâu năm, thân thẳng, có 4 cạnh, phân cành nhiều, cao 40 -80 cm, thân lá đều có lông tơ. Lá đơn mọc đối, có cuống ngắn xếp chéo chữ thập, phiến hình trứng hoặc ô van dài 5 – 10 cm, rộng 2,5 – 7 cm, mép có răng cưa, mặt dưới lá có nhiều lông hơn mặt trên. Lá có mầu xanh tím khi ở nơi dãi sáng, mầu xanh tươi khi mọc chỗ râm. Hoa màu trắng, hình ống, dài 5 – 6 cm, có lông ở phía ngoài, có 5 răng bằng nhau, tràng có môi dưới dài hơn môi trên. Nhị thò dài, bầu nhẵn; quả có 3 góc ở phía gốc. Cây Hoắc hương ở Việt Nam hầu như chưa thấy ra hoa. ở Philippin nơi nguyên sản của nó, cây Hoắc hương ra hoa bình thường.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Hoắc hương là loài cây nhiệt đới, mọc hoang ở nhiều nơi trên thế giới, hiện nay đã được trồng để lấy tinh dầu ở Indonesia, Madagasca, Singapore, Philippin, Trung Quốc, Brasil, ấn Độ… ở Việt Nam, Hoắc hương được nhân dân trồng trong vườn nhà làm thuốc khá phổ biến suốt từ Bắc vào Nam. Vùng trồng tạo hàng hoá thương phẩm có Mỹ Văn – Hưng Yên, Vũ Thư – Thái Bình và phía Nam có Tiền Giang.
Hoắc hương ưa ẩm, chịu bóng, khi cây nhỏ không chịu được cường độ ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp nên khi mới trồng phải được che bóng.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Tinh dầu là thành phần hoá học chủ yếu; lá khô chứa 1,2%, hàm lượng của lá khô đã ủ men cao hơn trong lá tươi. Tinh dầu chứa alcol patchoulic (45%), patchoulen (50%) và một số thành phần khác như benzaldehyd, aldehyd cinnamic, eugenol, azulen.
Chứa 2 alcaloid là patchoulipyridin và epiguaipyridin.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là lá hoặc bộ phận trên mặt đất (Herba Pogostemonis).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Lá Hoắc hương có vị cay, the, mùi thơm hắc, tính ấm. Quy vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng giải cảm, sát trùng đường ruột, làm khỏi nôn.
Hoắc hương được dùng để chữa cảm cúm, cảm nắng, nhức đầu, sổ mũi, đau mình, trúng thực, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, ăn không tiêu đầy bụng, ợ khan, hôi miệng. Ngày dùng 6 – 12g, dạng thuốc sắc, hãm hoặc bột, dùng riêng hay phối hợp.
ở ấn Độ, Hoắc hương được dùng làm thuốc chữa một số bệnh nhiễm tụ cầu và liên cầu. ở Philippin, dùng nước hãm lá Hoắc hương tươi để điều trị rối loạn kinh nguyệt. ở Indonesia, tinh dầu Hoắc hương được dùng chữa các vết thương do bị chém, vết đứt, bệnh ngứa và là thành phần của chế phẩm thuốc chữa ho, chữa ỉa chảy, chữa chứng hoa mắt chóng mặt của người già.
Theo y học hiện đại(Tác dụng dược lý)
Cao nước của Hoắc hương có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ Shiga.
Lá Hoắc hương có tác dụng chống viêm, thể hiện rõ trong giai đoạn viêm cấp tính, tác dụng yếu trên giai đoạn viêm mãn tính.
Hoắc hương có độc tính rất thấp.
Theo tài liệu nước ngoài, tinh dầu Hoắc hương có hoạt tính kháng khuẩn trên tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan máu, trực khuẩn E.coli, còn có tác dụng diệt sâu bọ, làm kích ứng da trên súc vật thí nghiệm.
Be the first to review “Hoắc Hương”