Đặc điểm thực vật
Cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 40 – 60 cm hay hơn. Thân rễ nạc đường kính từ 1 – 3,5 cm, dài tới 1 m, có nhiều đốt do vết lá hàng năm để lại. Rễ chính phình to thành củ thường có hình con quay gần như Tam thất. Thân khí sinh mọc và tàn lụi hàng năm, mọc thẳng đứng, đường kính 5-8mm. Lá kép chân vịt có 5 lá chét, mọc vòng 3 – 6, cuống dài. Lá chét gân có lông cứng cả 2 mặt, mép có răng cưa. Cây 4 năm tuổi trở lên có hoa hàng năm. Hoa tự tán, thường là 1 tán đơn, đôi khi có 1 – 2 hoặc 3 tán nhỏ dưới tán đơn, hiếm khi dưới tán đơn có 1 hoa như Nhân sâm. Mỗi tán có từ 50 – 120 hoa, cánh hoa mầu vàng lục nhạt. Nhị nhiều, mầu vàng nhạt. Bầu 1 ô, quả 1 hạt, có ít quả 2 hạt. Quả nang, khi chín mầu đỏ, có chấm đen ở đỉnh. Hạt hình thận, mầu trắng ngà.
Mùa hoa tháng 2 – 6. Mùa quả tháng 6 – 9.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu của Việt Nam, chỉ mới gặp ở vùng núi Ngọc Linh thuộc các huyện Đắc Tô, Đắc Lây tỉnh Kon Tum và huyện Trà My tỉnh Quảng Nam. Cây mọc dưới tán rừng già hỗn giao có độ che phủ trên 70%, có độ cao từ 1700 m đến 2200 m, có khí hậu mát ẩm quanh năm. Mật độ gặp dày ở ven suối, có thảm mục dày.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Phần dưới mặt đất (thân rễ và rễ củ):
Saponin: Có 49 hợp chất saponin, trong đó gồm 25 saponin đã biết cấu trúc và 24 saponin chưa biết cấu trúc nên được đặt tên là vina-ginsenosid-r1-r24. Các saponin chủ yếu thuộc ba nhóm: Dẫn chất của 20 (S) – protopanaxadiol, dẫn chất của 20 (S) – protopanaxatriol, các saponin có cấu trúc ocotillol và dẫn chất của acid oleanoic. Tiến hành định lượng hợp chất saponin, kết quả như sau: Thân rễ và rễ củ hoang dại chứa 16,79% (theo phương pháp TLC – densiometer). Định lượng saponin chính trong Sâm Việt Nam được trồng bán hoang dại ở Trà Lĩnh (Quảng Nam) cho thấy: hàm lượng các saponin chính tổng cộng trong Sâm Việt Nam tăng theo tuổi, và hàm lượng saponin chính trong thân rễ cao hơn trong rễ củ cùng năm tuổi.
Các hợp chất polyacetylen: 7 hợp chất polyacetylen đã được phân đoạn ở giai đoạn ít phân cực; 5 hợp chất đã được xác định cấu trúc với panaxynol và heptadeca – 1,8 (E)-dien-4,6-diyn-3,10-diol, có hợp chất mới là 10 – acetoxy-heptadeca-8(E)-en-4,6-diyn-3-ol và heptadeca-1,8(E), 10(E)-trien-4,6-diyn-3,10diol.
Hợp chất sterol: b-sitosterol và daucosterin.
Hợp chất glucid (định lượng theo phương pháp Bertran): đường tự do 6,19%, đường toàn phần 26,77%.
Các thành phần khác: tinh dầu 0,005-0,10%, sinh tố C 0,059%.
Phần trên mặt đất (lá Sâm Việt Nam): Có 19 saponin khung damaran đã được phân lập từ phần trên mặt đất gồm 1 saponin đã được biết và 8 saponin có cấu trúc mới được đặt tên vinaginsenosid-L1-L8. Đồng thời định lượng saponin toàn phần theo chuẩn notoginsengosid-Fc trên dược liệu khô kiệt được hàm lượng 7,03% (theo phương pháp đo quang).
2. Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
a) Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ và rễ củ của cây Sâm Việt Nam.
b) Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Sâm Việt Nam có vị đắng, hơi ngọt, mùi thơm nhẹ, có tác dụng kích thích hoạt động, tăng trí nhớ, tăng lực, giúp hồi phục chức năng các cơ quan của cơ thể, làm tăng sự thích nghi của cơ thể với các yếu tố độc hại.
Thân rễ và rễ củ của Sâm Việt Nam được dùng làm thuốc bổ dưỡng toàn thân, trị suy nhược, mệt mỏi, xơ vữa động mạch, ngộ độc gan, viêm họng và hen phế quản mãn tính. Thường được dùng với thuốc bổ khí, bổ huyết.
Theo y học hiện đại
Tiến hành nghiên cứu một số tác dụng dược lý của Sâm Việt Nam, cho thấy một số kết quả sau:
Tác dụng kích thích thần kinh, tăng cường hoạt động và trí nhớ của hệ thần kinh trung ương, nhưng liều cao thì có gây ức chế.
Sâm Việt Nam có tác dụng chống trầm cảm ở liều uống 200 mg/kg thể trọng/1lần ở chuột nhắt trắng, hoặc liều 50-100 mg/kg thể trọng/lần/7ngày.
Trong thí nghiệm chuột bơi, Sâm Việt Nam có tác dụng làm tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, giúp phục hồi sức lực.
Tác dụng sinh thích ứng: Trong stress vật lí, tăng sức chịu đựng đối với nóng (37 – 42oC) và lạnh (- 5oC) của chuột thí nghiệm và kéo dài thời gian sống thêm của chuột; trong stress cô lập, có tác dụng điều chỉnh thời gian ngủ của chuột thí nghiệm về bình thường.
Tác dụng chống oxy hoá: Thí nghiệm trên in vitro với liều 0,005 – 0,5 mg/ml thấy có tác dụng chống oxy hoá, ức chế sự hình thành của MDA.
Tác dụng kích thích miễn dịch: Có tăng chỉ số thực bào cả ở thí nghiệm in vivo và in vitro ở chuột nhắt trắng.
Tác dụng hồi phục máu: Phục hồi lượng hồng cầu và bạch cầu bị làm giảm ở động vật thí nghiệm.
Một số tác dụng dược lí khác: Tăng cường nội tiết tố sinh dục, điều hoà hoạt động của tim, chống cholesterol máu, bảo vệ gan, chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Một số chế phẩm từ Sâm Việt Nam, như: Viên ngậm Sâm, thuốc uống tinh Sâm Việt Nam, trà Sâm Việt Nam do Viện Dược liệu nghiên cứu và sản xuất theo dự án độc lập cấp Nhà nước (năm 2000).
Be the first to review “Sâm việt nam”