Tục đoạn
Tên khoa học: Dipsacus japonicus Miq.
Họ tục đoạn: Dipsaceae.
Tên vị thuốc: Tục đoạn.
Tên khác: Rễ kế, Đầu vù (Mèo).
Đặc điểm thực vật
Tục đoạn là loài thân thảo, lưu niên, khi ra hoa cao tới 1m hay hơn, có rễ mập phát triển thành củ được sử dụng làm thuốc. Cây trong tự nhiên có nhiều rễ củ, cây trồng đúng kỹ thuật có củ to mập không phân nhánh, thân có khía dọc và có gai nhỏ thành hàng. Lá mọc đối, phiến lá xẻ sâu thành 3 – 7 thuỳ bầu dục hay kép, mép có răng, cuống có gai. Cụm hoa hình đầu tròn ở chóp thân và nách lá ngọn. Hoa đỏ hay lam nhạt,cuống hoa tự dài, tổng bao lá bắc xoan có mũi nhọn, lá bắc giữa các hoa như vẩy nhọn cứng. Đài 4, tràng có ống với 4 thuỳ, nhị 4 rời đính trên tràng. Quả bế dài 15 mm.
Cây ra hoa, quả vào tháng 8 -10.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Tục đoạn là cây thuốc bản địa của Việt Nam. Trên thế giới có gặp Tục đoạn ở Trung Quốc, Nhật Bản. ở Việt Nam, cây mọc trên các vùng núi cao trên 800 m phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Hiện cây Tục đoạn đã được đưa vào trồng trọt hoặc trồng bán tự nhiên ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và phía Nam (Lâm Đồng, Kon Tum).
Tục đoạn là cây sống khoẻ, chịu được hạn, chua. Cây phát triển tốt trên đất feralit núi cao giầu mùn, có pH hơi chua 5 – 6. Tục đoạn đòi hỏi khí hậu mát, nhiệt độ trung bình năm không quá 250C, khí hậu ôn hoà, có độ ẩm cao, có thể trồng được trên đất dốc khô hạn, tuy nhiên thích hợp nhất vẫn là đất luôn ẩm nhưng không úng nước.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Rễ củ Tục đoạn có chứa một số chất là sucrose, daucosterol, b-sitosterol, akebia saponin D…. (Zhang Y. W. và cs, 1991).
Theo Kouno Isao và cs (1990), rễ củ chứa 1 triterpen glycosid, 3 iridoid glycosid (swerosid, loganin, cantleyosid). Ngoài ra, còn chứa 2 saponin là japondipsaponin E1 và E2…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ (Radix Dipsaci) cây Tục đoạn đã phơi hay sấy khô.
Công dụng:
Tục đoạn có vị đắng, cay, tính ôn; quy vào các kinh can, thận; có tác dụng bổ gan thận, tục cân cốt (nối gân xương), hành huyết, chỉ huyết, an thai.
Trong y học cổ truyền, Tục đoạn được dùng làm thuốc bổ, chữa đau lưng mỏi gối, té ngã sưng tấy, gãy xương, động thai, doạ sẩy thai, ít sữa sau khi đẻ, nam giới di tinh. Được dùng dưới dạng thuốc sắc hay chế viên hoàn để uống, ngày 6 – 12 g…