Đặc điểm thực vật
Ba gạc Cu Ba cây nhỏ, sống nhiều năm, cao 1- 2 m, phân cành nhiều, lá mọc vòng. Ra hoa từ tháng 4 kéo dài đến tháng 6 – 7. Quả chín từ tháng 8 – 9 đến tháng10 – 11. Quả đôi, dính chặt vào nhau, vỏ ngoài cứng khi chín có mầu đỏ sau đến tím đen.
Điều kiện sinh thái
Ba gạc Cu Ba sinh trưởng và phát triển rất khỏe, có khả năng chống chịu cao, sống được ở nhiều vùng, trên nhiều loại đất, có khả năng chịu hạn, pH từ 5,5 – 6,5. Cây có thể sống dưới những cây cao, tán lá thưa, khoảng cách rộng, vì thế có thể trồng xen với cây lâm nghiệp mới trồng có tán thưa, đủ ánh sáng cho Ba gạc.
Ba gạc Cu Ba sinh trưởng bình thường ở nhiệt độ từ 25 – 30o C, trừ mùa đông giá rét cây ngừng sinh trưởng. Độ ẩm không khí 80 – 90 %, lượng mưa trung bình từ 1700 mm trở lên. Độ cao so với mặt nước biển từ 600 m trở xuống, cao quá cây phát triển kém, còi cọc.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hóa học
Ba gạc bốn lá chứa 0,05 % reserpin và có hàm lượng rescinamin, deserpidin cao. Ba gạc Phú Thọ có alcaloid toàn phần của rễ là 1 -1,5%, tập trung 90% ở vỏ rễ; bao gồm reserpin, ajmalin, reserpilin và một số alcaloid đặc biệt thuộc nhóm yohimbin và heteroyohimbin.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng là vỏ rễ và rễ của cây Ba gạc(Cortex et Radix Rauvolfiae).
Công dụng:
Ba gạc được dùng trong điều trị cũng như trong công nghệ chiết xuất reserpin. ở Việt Nam đã sản xuất viên raucaxin bào chế từ vỏ rễ cây Ba gạc bốn lá, mỗi viên có 0,002g alcaloid toàn phần có tác dụng điều trị bệnh tăng huyết áp, đặc biệt đối với thể vừa và nhẹ (ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 – 2 viên). Thuốc được đánh giá là rất có hiệu quả và an toàn, không có tác dụng phụ. Từ Ba gạc Phú Thọ, người ta cũng đã bào chế viên rauvomin cũng với tác dụng hạ huyết áp vừa và nhẹ.
Tác dụng dược lý:
· Dạng chiết thô từ Ba gạc vòng (R. verticillata) có tác dụng hạ huyết áp và tiêu hủy adrenalin trên chó thí nghiệm. Theo các tác giả Liên Xô cũ, các dạng chiết từ Ba gạc bốn lá trên mèo gây mê có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt và kéo dài.
· Dạng chiết từ Ba gạc Phú Thọ (R. vomitoria) có tác dụng hạ huyết áp trên chó thí nghiệm, đồng thời tăng cường hoạt động tiêu hóa (Raymond – Hamet). Cao chiết đã lấy hết reserpin vẫn còn tác dụng hạ huyết áp trên động vật thí nghiệm cũng như trên bệnh nhân tăng huyết áp.
· ở Việt Nam, dạng cao chiết từ rễ Ba gạc bốn lá cũng như Ba gạc Phú Thọ đều có tác dụng hạ huyết áp rõ rệt, kéo dài trên mèo và chuột cống trắng. Với liều dùng 20 mg/kg cao Ba gạc Phú Thọ có tác dụng hạ huyết áp tương đương với liều 7 mg/kg của reserpin. Trên chuột nhắt trắng bằng đường uống LD50 của cao Ba gạc Phú Thọ là 977,2 mg/kg (P.D. Mai, 1989).
Be the first to review “Ba Gạc Bốn Lá”