Cây Đỗ trọng thuộc loại thân gỗ, cao 10-20 cm, đường kính 30-50 cm. Lá mọc so le, có cuống, mép khía răng. Vỏ thân và lá có nhựa mủ trắng, khi bẻ gãy và kéo dài ra thấy những sợi nhựa trắng như tơ. Hoa đơn tính khác gốc, hoa đực và hoa cái không có bao hoa. Hoa đực mọc ở gốc chồi tạo thành chùm, mỗi chùm 60 – 80 hoa, mỗi hoa có một bao phấn. Hoa cái hình dẹp, mỏng, dài 2-3 mm, rộng 1-1,5 mm. Hoa gồm 1 bầu và 2 vòi nhị. Hoa đực và hoa cái chín cùng một thời gian, thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng. Hoa cái được thụ phấn và hình thành quả, chín vào tháng 9-10. Quả hình thoi, dẹt, mầu nâu, hạt tròn có nhân mầu trắng ngà. Rễ cọc có thể ăn sâu 0,8 -1 m, tập trung phần lớn ở tầng đất 30- 40 cm và lan rộng ra 2-3 m.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Cây Đỗ trọng có tính thích nghi cao, ưa sinh trưởng ở những nơi có nhiều ánh sáng, có lượng mưa nhiều, ẩm ướt, thường phân bố ở độ cao 700 – 1500 m. Nhiệt độ trung bình trong năm 15oC – 17o C. Lượng mưa khoảng 800-1200 mm, chịu rét khá. Cây sinh trưởng tốt trên đất pha cát, nhiều mùn, đất vàng, đất hơi chua hay trung tính (pH = 6,5 – 7) rất thích hợp.
ở nước ta, cây Đỗ trọng được trồng ở Sapa (Lào Cai) từ năm 1964, sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, Đỗ trọng đã được trồng ở một số nơi như: Bắc Hà (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Tây Nguyên. Trồng thí điểm ở một số vùng đồng bằng, tuy cây vẫn sống được song sinh trưởng và phát triển không bình thường.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Vỏ thân Đỗ trọng có 2 nhóm thành phần chính: iridoid glycosid và lignan glycosid.
Các iridoid glycosid có trong vỏ thân Đỗ trọng, bao gồm: aucubin (thành phần chính 0,1 – 4%), reptosid, eucomiol, harpagid…
Các lignan glycosid từ vỏ thân gồm: các dẫn chất của medioresinol… và pinoresinol diglucosid (chủ yếu trong các libe gỗ 0,55%)…
Ngoài ra có một số các chất thuộc nhóm hoá học khác như erythro, threo- guaiacyl-glycerol, axit betulic, axit ursolic, axit vanilic…
Lá chứa các chlorogenic, axit cafeic, catechol, axit tartric…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ thân Đỗ trọng (Cortex Eucomiae).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Vỏ thân cây Đỗ trọng có vị ngọt, hơi cay, tính ấm, có tác dụng bổ gan thận, mạnh gân xương, dưỡng huyết, ấm tử cung, an thai.
Vỏ cây Đỗ trọng được dùng điều trị thận hư, đau lưng mỏi gối, chân gối yếu mỏi, phong thấp, tê phù, tăng huyết áp, di tinh, liệt dương, có thai đau bụng, động thai ra huyết, hay đái đêm, bại liệt. Kiêng kị đối với người âm hư hoả vượng.
Đỗ trọng được dùng điều trị phù, những bệnh về gan thận, bệnh thống phong.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, Đỗ trọng được dùng an thai, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, mộng tinh…
Theo y học hiện đại
Vỏ thân Đỗ trọng có tác dụng kích thích thần kinh trung ương với liều thấp, liều cao gây ức chế thần kinh trung ương, đặc biệt vùng dưới vỏ não.
Tác dụng hạ huyết áp do tác động lên trung tâm vận mạch ở hành tuỷ và hệ thống dây thần kinh phế vị để làm tăng sự co bóp của cơ tim.
Nước sắc làm tăng tiết niệu ở chuột nhắt, tăng trương lực cơ ở tử cung và ruột động vật thí nghiệm.
Có tác dụng kiểu oestrogen trên chuột cái thiến.
Dẫn chất lignoid chiết từ vỏ thân Đỗ trọng có tác dụng kháng khuẩn, chống phân bào, chống ung thư và ức chế đặc hiệu một số enzym.
Các dẫn chất iridoid từ vỏ thân Đỗ trọng có tác dụng kháng khuẩn, hạ huyết áp, giảm đau, chống viêm, an thần, nhuận tràng, chống ung thư.
Một số chất chiết từ vỏ thân Đỗ trọng có tác dụng chống kết hợp bổ thể; lignoid, eucommin A, iridoid….
Be the first to review “Đỗ trọng”