HY THIÊM
Tên khoa học: Sigesbeckia orientalis L.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên khác: Cỏ đĩ, cỏ cứt lợn, nhả khỉ cáy.
Tên vị thuốc: Hy thiêm.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Hy thiêm phân bố ở vùng có khí hậu cận nhiệt đới và nhiệt đới: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Philippin, Australia… Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở vùng núi và trung du phía bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa…
Đặc điểm thực vật
Hy thiêm là cây thân thảo, sống hàng năm, cây cao 30 – 90 cm, có nhiều cành, có lông tuyến. Lá mọc đối cuống ngắn, lá đơn hình 3 cạnh hay thuôn hình quả trám, đầu lá nhọn gốc hình tim, mép có răng cưa, mặt dưới hơi có lông. Phiến lá dài 4 – 10 cm, rộng 3 – 6 cm. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, cuống dài 1 – 2 cm, có lông tuyến dính, mảnh. Có hai loại lá bắc không đều nhau: Lá bắc ngoài to, hình thìa, có lông tuyến dính dài 9 – 10 mm, mọc tỏa ra thành hình sao, lá bắc trong hình trái xoan ngược, đầu cụt, hoa màu vàng, dài 5 mm, hợp thành một tổng bao đều mang lông tuyến dính; 5 cái ngoài là hoa cái, hình lưỡi. Quả bế đen, hình trứng, 4 – 5 cạnh, dài 3 – 4 mm, rộng 1 mm. Mùa hoa: Ở đồng bằng từ tháng 2 – 7, mùa quả tháng 3 – 8 còn miền núi mùa hoa từ tháng 4 – 10, mùa quả từ tháng 5 – 11. Cây thường mọc nhiều vào mùa xuân và lụi vào cuối mùa hè ở đồng bằng còn ở miền núi cây mọc muộn hơn vào đầu hè, tàn lụi vào đầu và giữa mùa đông. Mùa gieo trồng, thu hoạch ở đồng bằng và trung du Thanh Hoá từ tháng 1 – 5. Cây ra hoa đồng thời với quá trình sinh trưởng phát triển. Khi cây đạt được chiều cao 20 – 25 cm, cây bắt đầu phân cành và ra hoa từ thân chính trước, quá trình ra hoa kết hạt của hy thiêm kéo dài đến cây tàn lụi.
Điều kiện sinh thái
Cây ưa ẩm, ưa ánh sáng, thường mọc tương đối tập trung trên đất ẩm các bãi sông, ruộng hoang, ruộng trồng, ven đường. Cây có biên độ sinh thái rộng, thích hợp nhiều vùng đất.
Giá trị sử dụng làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần trên mặt đất được phơi hoặc sấy khô.
Công dụng: Trừ phong thấp, thanh nhiệt, giải độc. Hy thiêm được dùng điều trị phong thấp, tê bại, khớp sưng nóng đỏ và đau nhức, đau lưng, mỏi gối, mụn nhọt, lở ngứa, kinh nguyệt không đều.