Trạch Tả
Tên khoa học: Alisma plantago-aquatica L.
Thuộc họ: Alismataceae.
Tên vị thuốc: Trạch tả.
Tên khác: Mã đề nước.
Đặc điểm thực vật
Trạch tả thuộc cây thân thảo mọc dưới ao, hồ, ruộng nước, cây cao từ 0,5 – 1 m, thân củ trắng hình cầu hay hình con quay có đường kính tới 6cm màu trắng mọc thành cụm, có nhiều rễ sợi. Lá có cuống dài, bẹ to mọc ở gốc hình trứng thuôn hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại. Tán hoa ở đỉnh, nhiều hoa, hoa có cuống dài, lưỡng tính, 3 lá đài mầu lục, 3 cánh hoa mầu trắng hay hơi hồng, 6 bì, nhiều tâm bì rời nhau xếp xoắn ốc.
Mùa ra hoa vào tháng 4 – 5. Quả bế chín vào tháng 6 – 7.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Cây Trạch tả có tính thích nghi rộng rãi ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng. Từ miền núi, trung du, đến đồng bằng đều trồng được Trạch tả. Tuy nhiên, về thời vụ và chất lượng dược liệu có khác nhau. Trạch tả là cây trồng dưới nước, ưa thích ruộng có bùn sâu, nhiều mầu như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao, mương máng. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 22 – 27o C. Lượng mưa trung bình trên dưới 2200 mm/năm. Cây Trạch tả có vùng phân bố rộng, có mặt ở các nước ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga, Việt Nam. ở Việt Nam, cây mọc hoang ở nơi ẩm ướt ở Sapa, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn. Những năm gần đây, Trạch tả đã được trồng nhiều ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hóa học
Thân rễ Trạch tả chứa tinh tinh dầu, nhựa, protid, tinh bột 23 %, polysaccharid…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ cây Trạch tả (Rhizoma Alismatis).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
– Trạch tả có vị ngọt, tính hàn; quy vào 2 kinh thận và bàng quang có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt. Trạch tả được dùng chủ yếu để chữa bệnh thủy thũng, viêm thận, tiểu tiện khó, đái ra máu, ngoài ra còn chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.
– Dùng 10g – 20 g/ngày dưới dạng sắc, hoàn tán. Có thể dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.