CỐI XAY
Tên khoa học: Abutilon indicum (L.) Sweet.
Họ: Bông (Malvaceae).
Tên khác: Quýnh ma, kim hoa thảo.
Tên vị thuốc: Cối xay.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Cối xay phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới, ôn đới, cận nhiệt đới và ôn đới ấm, ở Việt Nam cối xay mọc hoang dại rải rác ở hầu hết các tỉnh, từ vùng đồng bằng ven biển đến trung du và cả vùng núi thấp (dưới 600 m).
Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ mọc thành bụi, sống lâu năm, cao 1,0 – 1,5 m. Cành hình trụ phủ lông nhỏ, mềm hình sao. Lá mọc so le có cuống dài, hình tim, đầu nhọn, mép khía răng hai mặt có lông mềm, mặt dưới mầu trắng xám, gân chính 5 – 7, lá kèm hình chỉ. Hoa mầu vàng mọc riêng lẻ ở kẽ lá; cuống dài có đốt gấp khúc; đài có lông ngắn ở mặt ngoài, lông dài ở mặt trong, hình tam giác, mầu tro, cánh hoa hình tam giác ngược hay hình nêm; nhị nhiều tụ tập trên một trụ có lông dày ở gốc; bầu có lông, gồm khoảng 20 lá noãn. Quả do nhiều nang hợp lại, xếp sít nhau giống cái cối xay, nang có lông ở phần lưng và có mỏ nhọn, cong ở đầu; hạt hình thận nhẵn, mầu đen nhạt. Mùa hoa tháng 2 – 3; mùa quả hạt tháng 4 – 6.
Điều kiện sinh thái
Cây cối xay ưa ẩm, ưa sáng. Cây sinh trưởng phát triển mạnh vào mùa xuân, hè, rụng lá vào mùa đông, quả già tự mở, bộ rễ phát triển rộng. Cây có khả năng thích nghi tốt với các vùng khí hậu ở nước ta.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng:Phần trên mặt đất của cối xay đã phơi hoặc sấy khô. Dược liệu gồm những đoạn thân, cành, lá và quả.
Công dụng:Theo kinh nghiệm dân gian, lá, thân, quả có tác dụng chữa cảm sốt, đau đầu, bí tiểu tiện, bạch đới, rắn cắn, chữa vàng da, phù thũng sau khi đẻ, kiết lỵ, mắt có màng mộng, tai điếc, chữa mụn nhọt, điều trị đau viêm khớp, viêm tuyến mang tai truyền nhiễm, tật điếc, đau tai, ù tai.
Ngày dùng 8 đến 12g, dạng thuốc sắc.