BẠC HÀ
Tên khoa học: Mentha arvensisL.
Họ:Bạc hà (Lamiaceae)
Tên khác:Bạc hà nam, nạt nặm, chạ phiéc hom (Tày).
Tên vị thuốc:Bạc hà
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Bạc hà là cây có nguồn gốc từ đới châu Âu, châu Á. Ở nước ta chi này cũng có 3 – 4 loài, mọc tự nhiên ở vùng núi cao 1300 – 1600 m, có khí hậu ẩm mát như Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Yên Bái và Mường Lống (Nghệ An).
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, sống lâu năm. Thân mềm hình vuông. Loại thân ngầm mang rễ mọc bò lan, loại thân đứng mang lá, cao 30 – 40 cm, có khi hơn, màu xanh lục hoặc tím tía, đôi khi phân nhánh. Lá mọc đối hình bầu dục hoặc hình trứng, cuống ngắn, mép lá khía răng đều, dài 4 – 6 cm, rộng 1,5 – 2,5 cm, màu lục tới lục hồng. Hoa nhỏ màu trắng, hồng hoặc tím hồng. Quả bế, có 4 hạt (ít gặp). Toàn cây có lông và có mùi thơm. Mùa hoa quả tháng 6 – 9.
Điều kiện sinh thái
Bạc hà thuộc loại cây ưa ẩm và ưa sáng, mọc hoang dại thường tập trung thành những đám nhỏ gần bờ suối hay trong thung lũng. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi đất nhiều mùn, màu nâu đen, tơi xốp. Cây ra hoa hàng năm, nhưng hình thức tái sinh chủ yếu vẫn bằng cách mọc chồi, đẻ nhánh bò lan trên mặt đất.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần thân lá trên mặt đất.
Công dụng:Thường dùng trị cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau bụng viêm họng, ho, giai đoạn đầu của bệnh sởi; chứng khó tiêu, đầy bụng, đau bụng; ngứa da. Mỗi lần dùng 2 – 6 gam sắc uống. Tinh dầu bạc hà có tác dụng sát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau, như khớp xương, thái dương khi nhức đầu.