Tên khoa học: Kaempferia galanga L.
Họ gừng: Zingiberaceae.
Tên vị thuốc: Sa khương.
Tên khác: Sơn nại, Thiền liền, Co xá chóong (Thái).
Đặc điểm thực vật
Địa liền là cây thuốc thân thảo, có thân rễ sống lâu năm, mập, hình trứng hay trứng thuôn dạng củ nhỏ bám vào nhau. Lá đơn mọc cách 2 – 3 chiếc mọc xoè ra sát mặt đất, hình trứng hay bầu dục, cuống ngắn có bẹ. Các lá hợp lại với nhau thành 1 cuống dài 1 – 2 cm. Hoa không cuống gồm 8 – 10 hoa màu trắng có phớt tím ở giữa.
Mùa ra hoa từ tháng 6 – 8.
Điều kiện sinh thái
Cây Địa liền là một loại cỏ, sống lâu năm, cây mọc hoang khắp nơi trong cả nước, còn thấy mọc ở Campuchia, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam), Đài Loan, Malaixia, ấn Độ…
Hiện nay cây Địa liền đã được đưa vào trồng trọt và được trồng nhiều ở vùng đồng bằng như Hưng Yên (Nghĩa Trai, Mễ Sở, Châu Giang, Khoái Châu), Bắc Ninh (Quế Võ), Hà Tây (Chương Mỹ), Hà Nội, Thái Bình và một số tỉnh trung du, miền núi như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái…
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Thành phần của Địa liền chủ yếu là tinh dầu (2,4 – 3,8%). Để lạnh thu được phần kết tinh và dịch lỏng; phần kết tinh chủ yếu là p- methoxy ethylcinnamat (20 – 25% trong tinh dầu); phần lỏng có trọng lượng riêng 0,8792 – 0,8914, [a] D30 = -2,60 – 4,50 n30 D là 14773 – 14855, chỉ số axit 0,5 -1,3, chỉ số xà phòng 99,7 – 109.
Ngoài ra, trong Địa liền còn có một số thành phần khác như: n- penta decan; D3-caren ethylcinnamat; o-methoxy ethylcinnamat; m-methoxy ethylcinnamat; p-ethoxy ethylcinnamat, camphen, borneol; p-methyl styren.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc là thân rễ Địa liền (Rhizoma Kaempferiae).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Địa liền có vị cay tính ôn, quy vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng tán hàn, ôn trung, trừ thấp, bạt khí độc.
Theo kinh nghiệm dân gian, Địa liền được dùng chữa ngực bụng lạnh, đau, ỉa chảy, dùng làm thuốc kiện vị chữa chứng ăn uống khó tiêu và đau dạ dày.
Xoa bóp dùng ngoài: chữa tê phù, tê thấp, đau nhức các khớp, chữa sâu răng…
Theo tài liệu nước ngoài, Địa liền có tác dụng kích thích long đờm, lợi tiểu, phối hợp với mật ong chữa ho và đau ngực. ở Philippin, nước sắc Địa liền dùng để chữa ăn uống khó tiêu, đau đầu, sốt rét, lá Địa liền hơ nóng dùng đắp ngoài chữa thấp khớp.
Theo y học hiện đại
Địa liền có tác dụng giảm đau: Trên mô hình gây đau nội tạng trên chuột nhắt trắng bằng tiêm xoang bụng dung dịch axit acetic 0,6%, Địa liền làm giảm số lần cơn đau và cường độ đau; trên mô hình gây đau bằng tấm kim loại nóng, Địa liền không thể hiện tác dụng giảm đau kiểu morphin.
Tác dụng chống viêm: Trên mô hình gây phù bàn chân chuột nhắt trắng kaolin, Địa liền và tinh dầu, các tinh thể chiết từ Địa liền đều có tác dụng chống viêm rõ rệt.
Địa liền có tác dụng hạ sốt trên thỏ gây sốt thực nghiệm bằng pyrogen.
Viên Bạch địa căn (Địa liền, Bạch chỉ, Cát căn) đã được thử nghiệm lâm sàng trên 108 bệnh nhân cả trẻ em và người lớn, bao gồm các bệnh chứng: sốt xuất huyết, sởi, viêm gan siêu vi trùng, hội chứng lỵ, thuỷ đậu và quai bị; các bệnh nhân đều bị sốt cao. Sau khi dùng Bạch địa căn điều trị cho kết quả như sau:
Thuốc có tác dụng hạ sốt rõ rệt đối với các chứng sốt do bị bệnh truyền nhiễm.
Thuốc có tác dụng giảm đau, làm bệnh nhân hết nhức đầu, nhức mỏi, tạo cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân, đặc biệt với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đối với bệnh nhân sởi, thuỷ đậu, Bạch địa căn có tác dụng chống bội nhiễm và làm giảm ho nếu kèm theo viêm phế quản.
Đối với bệnh nhân viêm gan siêu vi trùng, Bạch địa căn kích thích tiêu hoá, làm giảm cảm giác ậm ạch khó chịu của bệnh nhân.
Dùng Bạch địa căn trên lâm sàng không thấy xuất hiện tác dụng phụ, thuốc có độ an toàn cao.