DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG
Tên khoa học: Phyllanthus amarus Schum.
Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Tên khác: Chó đẻ răng cưa, chó đẻ thân xanh.
Tên vị thuốc: Diệp hạ châu.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Diệp hạ châu đắng có nguồn gốcở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Câyphân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở châu Á, vùng phân bố của diệp hạ châu đắng gồm các nước Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Nam Trung Quốc và cả ở vùng đảo Salawesi. Ở Việt Nam, diệp hạ châu đắng mọc rải rác khắp nơi, từ các tỉnh ở vùng đồng bằng, ven biển, các đảo lớn đến các tỉnh ở trung du và miền núi, có độ cao dưới 800 m. Ở các nước Đông Nam Á, độ cao phân bố của diệp hạ châu đắng có thể lên tới 1.000 m.
Đặc điểm thực vật
Cây thảo, cao 40 – 70 cm, ít phân cành, màu lục. Lá mọc so le, xếp hai dải đều trên cành trông như một lá kép lông chim, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới nhạt. Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá, không có cánh hoa, màu lục nhạt, hoa đực có cuống ngắn, xếp ở dưới hoa cái, hoa cái có cuống dài. Quả nang, hình cầu, nhẵn, hơi dẹt, chia thành 3 mảnh vỏ, mỗi mảnh có hai van chứa 2 hạt, hạt hình tam giác, đường kính 1 mm, có cạnh dọc và vằn ngang. Mùa hoa: Tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9.
Điều kiện sinh thái
Diệp hạ châu đắng là cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng khi còn nhỏ hoặc mọc xen lẫn với những loại cây cỏ khác. Cây thường mọc ở nơi đất ẩm trong vườn, ruộng trồng hoa màu, ven đường đi hay trên nương rẫy. Cây con mọc từ hạt, thường xuất hiện vào khoảng cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong vòng 2 tháng của mùa hè, sau đó ra hoa quả và tàn lụi. Vòng đời của cây chỉ kéo dài 3 – 4 tháng, hạt của diệp hạ châu đắng tồn tại trên mặt đất 7 – 8 tháng vẫn còn sức nẩy mầm.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng:Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô.
Công dụng:Cây diệp hạ châu đắng có tác dụng tiêu độc, lợi tiểu, sát trùng, thông huyết, điều kinh, thanh can…, thường được dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, đau thận, bệnh về đường tiết niệu, đường ruột, lở ngứa ngoài da.
Ngày dùng từ 8g đến 16g, sắc uống. Dùng ngoài: Lấy cây tươi giã nát, đắp vào chỗ lở loét.