Đặc điểm thực vật
Gấc thân thảo, leo, có tua cuốn, cây sống nhiều năm nhưng phần thân leo tàn lụi hàng năm. Lá mọc so le, đơn, xẻ thuỳ 3 – 5, mép có răng cưa. Lá gốc hình tim, xẻ thuỳ bàn tay đường kính 15 – 20 cm, lá nhám, mặt trên mầu xanh sẫm. Hoa đơn tính cùng gốc, cánh hoa mầu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả mọng to, hình bầu dục tròn, dài 15 – 20 cm, đường kính quả 12 – 18 cm, vỏ quả có gai mềm, khi chín mầu đỏ nhạt. Thịt quả mầu đỏ sẫm hay đỏ vàng. Hạt nhiều, xếp thành hàng dọc, hạt dẹt được bao bởi lớp màng mầu đỏ sẫm, hạt mầu đen, vỏ hạt cứng và dầy, mép có răng tù, kích thước hạt dài 25 – 35 mm, rộng 19 – 31 mm, dầy 5 – 10 mm, nhân hạt (nội nhũ) chứa nhiều dầu.
Mùa hoa tháng 6 – 8. Mùa quả tháng 8 – 11.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Gấc là cây thuốc thực phẩm, sinh trưởng phát triển ở vùng nhiệt đới. ở Việt Nam cây mọc hoang và được trồng từ lâu đời trên khắp các vùng lãnh thổ, vùng núi cao trên 1500m không gặp. Gấc ưa sáng nên thân luôn leo cao vươn lên chiếm ánh sáng. Gấc ưa đất giàu mùn, ẩm nhưng không úng, nhiệt độ thích hợp là 20 – 25oC, vũ lượng 1500 – 2000 mm/năm. Nhiệt độ dưới 15oC cây sinh trưởng chậm, ra hoa không đậu quả. ở Việt Nam hiện có 2 giống: giống quả chín màu đỏ thường trồng ở vùng đồng bằng và trung du, giống quả chín màu vàng thường trồng ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn La… ở trên thế giới, gấc chủ yếu được trồng ở ấn Độ, Trung Quốc, Philippin, Lào, Việt Nam…
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Dầu Gấc được chiết xuất từ màng hạt gấc với hiệu suất 8%, 1 ml dầu gấc chứa 38 mg caroten tương đương 30.000 đơn vị caroten hay 50.000 đơn vị vitamin A. Dầu gấc chứa axit oleic 44,4%, axit linoleic 14,7%, axit stearic 7,89%, axit palmatic 33,8%.
Rễ chứa momordin.
Thân củ chứa chondrillasterol, cucurbitadienol, 1 glycoprotein và 2 glycosid…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc gồm vỏ hạt, hạt và rễ.
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Dầu Gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt.
Dầu Gấc dùng trong các trường hợp cơ thể cần vitamin A; trẻ con chậm lớn, đàn bà mang thai, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà, người kém ăn mệt mỏi.
Dầu Gấc dùng ngoài, bôi vết thương, bỏng làm chóng lên da non, chóng lành vết thương. Dầu Gấc dùng kèm với một số kháng khuẩn đặc hiệu để chữa trứng cá kén có nhân.
Dầu Gấc có tác dụng nhuận tràng, sử dụng cho người bị táo bón.
Hạt Gấc chỉ mới sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Theo tài liệu cổ, hạt Gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi có độc, vào 2 kinh can và đại tràng. Hạt Gấc dùng trong có tác dụng tiêu tích, lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ; dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng. Theo kinh nghiệm dân gian, hạt Gấc được dùng chữa mụn nhọt, tràng nhạc lâu ngày không khỏi, quai bị, sưng vú, tắc tia sữa, trĩ, lòi dom. Một số nơi dùng để chữa sốt rét có báng. Chủ yếu hạt Gấc chỉ dùng ngoài, cần cẩn thận khi dùng.
Rễ Gấc có vị đắng, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Rễ Gấc được dùng để chữa tê thấp, sưng chân, phù với liều 4 g/ngày.
Theo y học hiện đại
Dầu Gấc có hàm lượng b- caroten cao. b- caroten dưới tác dụng carotenaza có trong gan và thành ruột thì chuyển thành vitamin A. Tác dụng dược lí của dầu Gấc cũng giống như của vitamin A; vai trò với thị giác, vitamin A tham gia vào sự hình thành chất rhodopsin là chất nhạy cảm với ánh sáng, tồn tại trong các que võng mạc.
Dầu Gấc còn được dùng để hỗ trợ điều trị ung thư thay thế cho dùng vitamin A liều cao. Hiện tại trên thị trường có lưu hành hai sản phẩm từ dầu Gấc là: thuốc nhỏ giọt Gacavit và viên nang mềm Vinaga được chỉ định dùng cho những người thiếu vitamin A, khô mắt, hỗ trợ điều trị ung thư… Để hấp thu tốt b- caroten trong dầu Gấc thì trong khẩu phần dinh dưỡng cần có lượng dầu mỡ cần thiết.
Dầu Gấc có khả năng sửa chữa tổn thương AND do tác động của tia phóng xạ gây ra.
Rễ cây Gấc có tác dụng tán huyết.
Be the first to review “Gấc”