Ngưu Tất
Tên khoa học : Achyranthes bidentata Blume.
Họ rau dền – Amaranthaceae.
Tên vị thuốc: Ngưu tất.
Tên khác: Hoài ngưu tất.
Đặc điểm thực vật
Cây cỏ sống hàng năm, cao 60 – 80 cm. Rễ củ hình trụ dài, thân có cạnh, phình lên ở những đốt, lá mọc đối, hình bầu đục, có cuống ngắn, mép lượn sóng. Cụm hoa hình bông mọc ở ngọn thân hoặc ở đầu cành. Quả hình bầu dục, có 1 hạt. ở Trung Quốc, Ngưu tất có 2 loài: Hoài ngưu tất được trồng chủ yếu ở tỉnh Hà Nam, Xuyên ngưu tất được trồng chủ yếu ở Tứ Xuyên. Hoài ngưu tất không có lông, thân và lá màu tím, hoa tự mọc thành bông, rễ dài màu vàng nhạt. Xuyên ngưu tất có nhiều lông màu xám, lá màu trắng, hoa tự kết thành chùm hình cầu, rễ cái to màu nâu xám.
Mùa hoa quả tháng 5 – 7.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Ngưu tất được trồng chủ yếu ở vùng Vũ Trác, Thẩm Dương thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) nên được gọi là Hoài ngưu tất. Năm 1960, Ngưu tất được di thực vào Việt Nam. Hiện nay Ngưu tất được sản xuất rộng rãi ở các tỉnh đỗng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, v.v…
Ngưu tất là cây dễ trồng, không yêu cầu khí hậu khắt khe lắm. Nói chung những nơi khí hậu ôn hoà, đầy đủ ánh sáng đều trồng được. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 18 – 26o C. Nhiệt độ thấp 7 – 10o C hạt không nảy mầm được, cây sinh trưởng chậm. Cây ưa ẩm mát, thích hợp với đất pha cát, không thích hợp với đất thịt nặng. Độ pH thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển là 5 – 6. Cây chịu hạn nhưng không có khả năng chịu úng. Nếu ngập nước từ 5 – 10 giờ cây bị chết.
Ngưu tất là cây dễ trồng, dễ để giống, thời gian sinh trưởng ngắn từ 120 – 130 ngày sau khi gieo hạt thì thu dược liệu và 80 – 90 ngày sau khi trồng thì thu hạt giống.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Rễ Ngưu tất có chứa:
– Saponin toàn phần 4,04% (Li Xiuzhen và cs., 1988; CA 105 – 201776e) và axit oleanolic 0,096%.
– Polysaccharid và saccharid có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch (Yu Bias và cs., 1995).
– Betain có trong rễ với hàm lượng 0,93 – 1,029%.
– Phần trên mặt đất còn có Flavonoid trong đó có Rutin.
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng làm thuốc:
Bộ phận dùng làm thuốc của cây Ngưu tất là rễ cây (Radix Achiranthes bidentatae).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Ngưu tất có vị đắng chua, tính bình, không độc, quy vào 2 kinh can và thận. Dạng Ngưu tất sống có tác dụng tán huyết ứ, tiêu ung, lợi thấp. Dạng Ngưu tất chín có tác dụng bổ can, ích thận, cường tráng gân cốt.
Ngưu tất dạng sống chữa cổ họng sưng đau, mụn nhọt, đái rát buốt, đái ra máu hoặc sỏi, bế kinh, bụng dưới kết hòn cục, đẻ khó, khi đẻ rau thai không ra, sau khi đẻ huyết ứ gây đau bụng, chấn thương tụ máu, đầu gối nhức mỏi.
Ngưu tất sao tẩm chữa can thận hư, ù tai, đau lưng mỏi gối, tay chân co quắp hoặc bại liệt.
ở Trung Quốc, Ngưu tất được dùng làm thuốc lợi tiểu, phục hồi sức khoẻ, chữa bế kinh, đau kinh, viêm họng, tăng huyết áp, thấp khớp, sỏi tiết niệu, viêm họng, viêm amidan…
Không được dùng Ngưu tất cho phụ nữ có thai, băng huyết.
Theo y học hiện đại
Thể hiện tác dụng chống viêm rõ rệt của giai đoạn cấp và mãn tính của phản ứng viêm trên thực nghiệm.
Tác dụng ức chế miễn dịch trên thực nghiệm; gây thu teo tuyến ức ở chuột cống non.
Làm giảm cholesterol máu ở thực nghiệm trên thỏ đã gây tăng cholesterol, do làm ức chế sự hấp thu cholesterol từ bên ngoài và ức chế sự tổng hợp cholesterol ngay trong cơ thể của thỏ.
Gây hạ huyết áp ở mèo trên thực nghiệm và tác dụng này kéo dài.
Ngưu tất có tác dụng chọn lọc gây co cơ trơn tử cung, không gây co cơ trơn ruột trên chuột lang.
Một số chế phẩm có Ngưu tất dùng để điều trị viêm khớp, viêm đa khớp dạng thấp mãn tính; ngưu linh tiên, solamin.
Viện Dược liệu có thuốc Dentonin (Antigiva), dùng điều trị viêm răng lợi, có chứa Ngưu tất, Sâm đại hành, Cà gai leo… đã được thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tốt.
Trên lâm sàng, Ngưu tất và một số bài thuốc có Ngưu tất được dùng điều trị cho bệnh nhân bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch,… cho kết quả khá tốt.
Axit oleanolic có tác dụng dự phòng thương tổn gan gây bởi carbon tetrachlorid ở chuột cống trắng.