Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
LactucaL. là một chi tương đối lớn, gồm những cây sống một năm, vài loài sống nhiều năm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Ấn Độ có khoảng 25 loài, Việt Nam cũng có hơn 10 loài. Trong đó, bồ công anh có lẽ là loài phân bố rộng, ở hầu hết các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng.
Cây cũng gặp ở nhiều nơi khác như đông Siberi, Đài Loan, miền nam Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Philippin và Inđônêxia.
Đặc điểm thực vật
Bồ công anh là cây thân thảo, thân nhẵn, thẳng, chiều cao cây từ 0,6 – 1,0 m có khi đến 2,0 m và ít phân cành. Lá mọc so le, lá ở dưới thuôn dài, xẻ thuỳ không đều, hẹp và sâu, thùy nhỏ và thùy lớn xen kẽ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, đầu nhọn, các lá ở giữa và ở trên ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoàn toàn nguyên. Gần như không có cuống lá. Cụm hoa đầu hợp thành chùy dài 20 – 40 cm, mọc ở thân và kẽ lá, phân nhánh nhiều, tổng bao hình trụ, mỗi đầu có 8 – 10 hoa màu vàng hoặc màu vàng nhạt, tràng hoa có lưỡi dài, ống mảnh, nhị 5, bao phấn có đỉnh rất tròn, vòi nhụy có gai. Mùa hoa tháng 6 – 7. Quả bế, mùa quả tháng 8 – 9. Hạt màu đen, có mào lông trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh khác giảm thành một đường lồi.
Điều kiện sinh thái
Bồ công anh là cây ưa ẩm và ưa sáng thường mọc ở những nơi đất tương đối màu mỡ, nhất là các bãi bồi ven sông, vườn bỏ hoang hoặc nương rãy, ven đường, các sườn đồi nhiều nắng. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè, ra hoa quả vào mùa thu và sau đó tàn lụi. Nhiệt độ thích hợp 20 – 35oC, độ ẩm 85 – 90%.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng:Phần thân, lá bồ công anh được phơi khô.
Công dụng:Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Bồ công anh thường được dùng điều trị tỳ vị có hỏa uất, sưng vú, áp xe, tràng nhạc, mụn nhọt, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu, đau dạ dày. Ngày dùng từ 8 – 30g dược liệu khô, dạng thuốc sắc. Đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.
Be the first to review “BỒ CÔNG ANH”