BỒ BỒ
Tên khoa học: Adenosma indiana (Lour.) Merr.
Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên khác: Chè đồng, chè nội, chè cát, nhân trần.
Tên vị thuốc: Bồ bồ.
Đặc điểm chung
Nguồn gốc, phân bố
Cây bồ bồ thường mọc hoang ở vùng đồi, những ruộng vùng trung du miền Bắc như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Theo một số tài liệu của Trung Quốc bồ bồ phân bố khắp vùng nhiệt đới từ Ấn Độ, Srilanca đến Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và một số đảo lớn (Borne, Java) của Inđônêxia.
Đặc điểm thực vật
Thân hình trụ, cành non mang nhiều lông về sau nhẵn, lúc đầu thân màu tím nhạt sau chuyển sang màu xanh, chiều cao cây 70 cm – 100 cm. Lá mọc đối, phiến lá hình mác, đầu nhọn, mép lá có răng cưa, gân lá hình lông chim, mặt trên mang nhiều lông hơn mặt dưới, chiều dài lá 5 cm – 8 cm, rộng lá 2 cm – 4 cm. Rễthuộc loại rễ chùm, có nhiều lông tơ nhỏ màu trắng, rễ dài 10 – 18 cm. Hoa nhỏ, màu tím, mọc tụ tập thành đầu nang, đài có lông với 2 môi, môi trên nguyên, môi dưới xẻ 4. Tràng cánh hợp với 2 môi, môi trên xẻ 4, môi dưới nguyên, 4 nhị có 2 chiếc dài, 2 chiếc ngắn. Quả thuộc loại quả nang nằm gọn trong đài hoa. Nhiều hạt nhỏ, hình trứng thuôn, có nhiều gai, màu cánh gián.
Điều kiện sinh thái
Bồ bồ là cây ưa sáng và có thể chịu hạn, không chịu được úng. Độ cao từ 100 – 800m so với mực nước biển. Nhiệt độ thích hợp 25 – 35oC, độ ẩm 80 – 85%.
Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần trên mặt đất của cây.
Công dụng:Bồ bồ dùng chữa sốt, cảm cúm, viêm gan, vàng da, tiêu hoá kém, viêm ruột, đau bụng, thuốc kích thích ăn ngon cho phụ nữ sau khi đẻ. Liều dùng: 15 – 30g/ngày, sắc nước uống. Ở Việt Nam đã có thuốc Abivina bào chế từ bồ bồ có tác dụng phục hồi và bảo vệ chức năng gan.