Đặc điểm thực vật
Bạch truật thân thảo, sống nhiều năm, cao 40 – 60 cm, phân cành nhiều. Rễ phát triển thành củ mập. Có nhiều nhánh (như nhánh của củ khoai sọ). Lá đơn mọc so le, mép có răng cưa, có cuống. Lá ở gốc phân thành 3 thuỳ nông. Cụm hoa hình đầu, nhiều hoa, ở ngọn cành. Hoa nhỏ, tràng hình ống mầu tím đỏ chia 5 thuỳ. Nhị đực 5, nhị cái 1, bầu hạ, bề mặt có lông nhung, tập trung ở hoa phía trong, hoa phía ngoài nhị tiêu giảm. Bầu mang lớp lông trắng. Quả bế, mang chùm lông ở đỉnh để phát tán nhờ gió.
Mùa ra hoa tháng 6 – 7. Mùa thu hoạch quả tháng 8 – 10.
Điều kiện sinh thái và phân bố
Bạch truật được nhập từ Trung Quốc vào trồng ở nước ta từ những năm 60 của thế kỷ 20. Bạch truật thích ứng với vùng núi phía Bắc nước ta ở độ cao 800 m trở lên, nơi có khí hậu mát quanh năm, mưa nhiều với vũ lượng từ 1600 – 2000 mm/năm, phù hợp với nền đất feralit đỏ vàng. Bạch truật có thể trồng thu dược liệu, khai thác khí hậu lạnh ẩm của mùa đông xuân trên đồng bằng Bắc Bộ.
Huyện Sa Pa, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) là nơi trồng thích hợp, đã cung cấp giống Bạch truật cho sản xuất dược liệu lâu nay. Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội, Hải Dương…) là nơi đã sản xuất dược liệu Bạch truật.
Giá trị làm thuốc
Thành phần hoá học
Thành phần chủ yếu của Bạch truật là tinh dầu (1,4%). Thành phần chính của tinh dầu là atractylon, atracylenolid I, II, III, eudesmol…
Ngoài ra Bạch truật còn có vitamin A, tinh bột…
Bộ phận dùng làm thuốc và công dụng
Bộ phận dùng:
Bộ phận dùng là rễ củ Bạch truật (Rhizoma Aractyloidis macrocephalae).
Công dụng:
Theo y học cổ truyền
Bạch truật có vị ngọt đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ, táo thấp, chỉ tả, hoà trung, lợi thuỷ, an thai.
Bạch truật được coi là vị thuốc bổ dưỡng và cũng được dùng để điều trị các chứng bệnh đau dạ dày, bụng trướng đầy, nôn mửa, ăn chậm tiêu, thấp nhiệt, ỉa chảy, phân sống, viêm ruột mãn tính, an thai (có thai, đau bụng, ốm nghén, nôn oẹ), chữa sốt ra mồ hôi, phù thũng. Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc bột.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, Bạch truật được dùng để chống phù, lợi tiểu, tăng tiết mồ hôi, chữa ho, đái tháo đường. Còn được chỉ định trong viêm đường tiêu hoá, chữa thấp khớp, chứng đau nhức đầu.
Trong y học cổ truyền Nhật Bản, Bạch truật được dùng làm thuốc lợi tiểu chữa các chứng đái ít, đái buốt, di tinh, hoa mắt. Ngày nay, Bạch truật được dùng để tăng cường tiêu hoá, lợi tiểu, chữa đau mình mẩy, ho đờm nhiều, buồn nôn, di mộng tinh, kiết lỵ.
Theo y học hiện đại
Bạch truật có các tác dụng dược lí sau:
Tác dụng chống loét dạ dày: Tiến hành thí nghiệm trên 3 mô hình: gây loét dạ dày bằng cách thắt môn vị (loét Shay), loét bằng cách cho nhịn đói (loét do nguồn gốc tâm lý), loét bằng tiêm histamin. Kết quả: Bạch truật có tác dụng ức chế rõ rệt với loét Shay, loét do nhịn đói, không có tác dụng đối với loét do histamin.
Bạch truật có tác dụng làm giảm lượng dịch vị, nhưng không làm giảm độ axit tự do của dịch vị.
Bạch truật làm tăng lượng các chất thải trừ qua mật nhưng không gây biến đổi về lưu lượng mật. Bạch truật không gây ảnh hưởng đến chức năng phân huỷ và thải trừ các chất màu qua gan.
Tác dụng chống viêm: Trên giai đoạn cấp tính, Bạch truật tác dụng ức chế rõ rệt phản ứng viêm (thoát huyết tương, tạo phù nề) qua mô hình gây viêm thực nghiệm bằng kaolin; trên giai đoạn mãn tính, Bạch truật ức chế rõ rệt sự tạo thành tổ chức hạt qua mô hình gây u hạt thực nghiệm bằng amian.
Bạch truật có tác dụng ức chế miễn dịch; gây thu teo tuyến ức ở chuột non.
Bạch truật không ảnh hưởng đối với thành phần các protein huyết thanh và chức năng bài tiết urê của thận.
Bạch truật không thể hiện độc tính cấp và không gây phản ứng phụ khi dùng thuốc dài ngày.
Viên Kim truật là sự phối hợp của Bạch truật và nghệ có tác dụng giảm nhanh các cơn đau của các bệnh nhân bị loét dạ dày – hành tá tràng. Ngoài ra, bệnh nhân thấy hết trướng, đầy bụng, hết cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và ăn được, các triệu chứng rối loạn tiêu hoá đều khỏi. Trên các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, trên hình ảnh X-quang khó phát hiện được vết loét đang phát triển và vết loét đã lành sẹo; độ toan dịch vị hạ, chủ yếu là độ axit tự do; chức phận gan bình thường.
Be the first to review “Bạch Truật”