Giới thiệu
Cây trạch tả còn có tên gọi là cây thủy trạch, thuỷ tạ…. là một cây thuốc được trồng nhiều ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây đã được di thực sang nước ta. Trạch tả rất thích hợp với các chân ruộng trũng, hẩu, nhiều mùn trong vụ đông sau khi thu hoạch lúa mùa xong.
Đặc điểm sinh học
Trạch tả là cây thân thảo, mọc ở ruộng nước, thân cây nhẵn bóng, lá đơn, mọc chụm từ rễ. Cuống lá dài 40 cm, phiến lá tròn hoặc bầu dục tròn, màu xanh, dài 5-7 cm, rộng 3-12 cm, đầu lá hơi nhọn, sát cuống có hình quả tim hoặc tròn. Cuống hoa trạch tả mọc thẳng dài 0,7-1,0 m chia thành đốt, mỗi đốt hoa mọc nhiều chùm hoa nhỏ có cuống ngắn. lá dài chùm hoa hình bao gươm. Hoa lưỡng tính, đài hoa có 3 cánh màu xanh. Hoa cũng có 3 cánh nhưng màu vàng trắng, có 6 nhị đực, nhiều nhị cái, bầu thượng, quả khê, mọc thành chùm.
Có 2 loại: xuyên trạch tả và kiến trạch tả, trong đó kiến trạch tả có thân, lá cao, to hơn, năng suất và chất lượng cũng khá hơn.
Công dụng
Theo y học cổ truyền, trạch tả có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, thẩm thấp, thanh nhiệt. Cây thuốc này được dùng chủ yếu để chữa bệnh thủy thũng, viêm thận, tiểu tiện khó, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… Ngoài ra, trạch tả còn được dùng trong các bài thuốc chữa cao huyết áp, lipt máu cao…
Cách gieo trồng
– Làm đất: Làm đất kỹ như gieo mạ lúa. Luống mạ trạch tả rộng 1-1,3 m, rãnh rộng 0,3 m. Đưa đất ở rãnh vào luống tạo cho luống cao khoảng 15-20 cm, mép luống hơi cao để giữ được nước phân khi bón thúc. Bón 300 – 400 kg/sào (8-10 tấn/ha) phân chuồng khi làm đất.
– Gieo hạt: Nên chọn loại hạt giống tốt, có màu vàng kim để gieo, hạt có màu xanh là hạt non, nảy mầm kém, cho năng suất phát triển kém, hạt màu đen là hạt cũ không dùng được. Lượng hạt giống cần dùng là 300 g (0,3 kg) cho mỗi sào mạ. Ngâm hạt giống trong nước 24-48 giờ bằng cách bọc hạt trong một lớp vải trước khi ngâm. Sau đó trộn với khoảng 30 kg tro mộc rắc đều lên mặt luống. Gieo xong dùng chổi tre ép nhẹ lên mặt luống để hạt tiếp xúc với đất, tránh bị trôi.
Cách chăm sóc
Cần làm giàn che hoặc cắm các cành cây hai bên mép luống để che nắng cho cây con. Giàn nên làm cao 1 m, ban ngày phủ rơm rạ, khi cây đã cao 10 cm trở lên có thể bỏ giàn che. Sau khi đã hơi se, phải tưới nước, tưới thường xuyên vào buổi chiều, tưới xong phải tiêu nước ngay nhưng đảm bảo mặt luống luôn giữ được ẩm, không bị nứt nẻ. Trong giai đoạn mới nảy mầm nếu có mưa to, có thể đưa thêm nước vào ruộng để bảo vệ cây. Khi cây cao từ 3 cm trở lên cần thường xuyên giữ mức nước trong ruộng khoảng 3 cm nhưng để ngập cây.
– Tỉa cây con, bón thúc: Khi cây cao khoảng 3 cm tiến hành tỉa thưa đảm bảo vườn ươm có khoảng cách giữa các cây là 2-3 cm. Bón thúc bằng nước phân chuồng. Khi tưới nên nhẹ tay, tránh làm đổ cây, tưới thúc cho cây con 2-3 lần trước khi đem trồng.
Be the first to review “Trạch tả”